Không riêng người dân TP Vũng Tàu mà nhiều nơi trong cả nước đang hết sức quan tâm vụ án C46 (Bộ Công an) vừa cất “ mẻ vó” toàn những con cá bự ở TP Vũng Tàu. Những con cá bự đó là nguyên Chủ tịch , Phó Chủ tịch TP và nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu.
Ông Phan Hòa Bình. Ảnh: Xuân Mai
Trước đó, năm 2014, C46 đã cất “mẻ vó” cả ổ lừa đảo là gia đình bà Ngô Thị Minh Phượng gồm chồng, con gái, con rể… Bà Phượng là Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Địa ốc An Khang (Cty An Khang) - chủ đầu tư dự án Metropolitan - đã lừa đảo trên 300 người góp tiền mua đất nền.
Năm 2010, bà Phượng và ông Trần Quý Dương (cổ đông) cùng sáng lập Cty An Khang đã mua gom 210.000m2 đất nông nghiệp làm dự án. Do có thông tin sau năm 2010, giá đền bù, hỗ trợ đất nông nghiệp được nâng lên, bà Phượng đã cấp tốc nhờ cán bộ chức năng TP Vũng Tàu hoàn thiện hồ sơ để hưởng lợi giá đất thấp.
Mặc dù hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất không hợp lệ, nhưng Nguyễn Trung Quốc (cán bộ) và Vũ Quốc Tuấn (Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP) xác nhận đủ điều kiện trình lãnh đạo UBND TP phê duyệt.
Ngay sau đó, Chủ tịch TP Phan Hòa Bình và Phó Chủ tịch TP Trương Văn Trí và ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP đã ký duyệt dự án.
Việc cấp quyết định cho dự án Metropolitan đã gây thất thoát 20 tỷ đồng cho ngân sách. Điều bất thường là, dự án được phê duyệt nhưng không căn cứ vào quy hoạch TP trước đó, nên dự án trùm lên cả đất công của Nhà nước và đất ở ổn định của nhiều hộ dân.
Để thu hút khách hàng vào “dự án đắc địa”, Cty An Khang đã “vẽ” nên chi phí cho dự án tới 13.000 tỷ đồng! Đến năm 2013, đã có gần 300 khách hàng góp trên 400 tỷ đồng với 333 nền đất đã được đặt cọc. Đến hẹn nhưng không được giao đất, khách hàng nhận thấy dấu hiệu lừa đảo nên có đơn gửi cơ quan chức năng.
Năm 2014, C46 khởi tố các thành viên chủ chốt trong gia đình bà Phượng, cổ đông Trần Qúy Dương và hai cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường là Vũ Quốc Tuấn và Nguyễn Trung Quốc.
Câu hỏi của khách hàng: Hơn 400 tỷ đồng Cty đã chi vào những hạng mục gì khi chỉ khoảng 25 tỷ đầu tư xây dựng hạ tầng và chi hoạt động thường xuyên của Cty, trong khi dự án vẫn là vùng đất hoang hóa, một số hạng mục dang dở thì đang xuống cấp nghiêm trọng?
Vấn đề bức xúc cần phải làm sáng tỏ là: Do đâu từ cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường đến Chủ tịch của TP lại mạnh tay bút phê cấp quyết định cho dự án, mà ở đây lại là một dự án lừa?
Rất nhiều vấn đề đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xét xử đúng người đúng tội. Tuy nhiên, trước hết dư luận quan tâm là khoản tiền 400 tỷ đồng của những người góp vốn có đòi được không? Đó là nỗi đau riêng của những người mua đất. Nỗi đau chung ở đây là Nhà nước mất một số cán bộ có chức có quyền, những người được rèn luyện, thử thách trong môi trường Nhà nước với một khoảng thời gian dài. Cái mất đó tuy lớn nhưng vẫn khắc phục được, bởi sẽ có những cán bộ tốt thay thế. Còn cái mất lớn hơn đó là giảm niềm tin từ nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Về khâu xử lý cán bộ, năm 2014, khi C46 “cất vó” sao cơ quan chức năng không tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người khác có liên quan và đứng đầu TP mà lại tế nhị “chuyển công tác” Chủ tịch TP Phan Hòa Bình sang giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Chủ tịch TP Trương Văn Trí sang chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP sang làm Chủ tịch UBND phường 9. Phải chăng chúng ta đánh rắn nhưng không đánh dập đầu?
Đây đã phải là trường hợp cá biệt hay chưa, hay đâu đó trong 63 tỉnh, thành vẫn có câu chuyện na ná như TP Vũng Tàu nhưng chưa bị lộ?
Câu chuyện các quan chức từ cán bộ cấp phòng đến Chủ tịch TP Vũng Tàu tiếp tay cho dự án lừa đảo là một bài học lớn về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý cán bộ vi phạm.
Rõ ràng, công tác kiểm tra, rà soát việc cấp phép cho các dự án đang có vấn đề! Một dự án “to đùng” không đủ điều kiện vẫn “ngon trớn” qua cấp phòng lên đến cấp thành phố được ký xoẹt. Vậy công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở đâu? Bị bịt mắt hay bị bịt miệng?