Hà Tĩnh hiện có 43 hệ thống cấp nước sạch nông thôn, trong số này vẫn còn 24 công trình (chiếm 55%) ở hiện trạng kém hiệu quả và ngừng hoạt động. Gần như tất cả những công trình này đều do các xã hoặc cộng đồng quản lý, khai thác...
Hệ thống công trình nước sạch nông thôn đạt chất lượng hay không phụ thuộc phần nhiều vào năng lực vận hành, quản lý.
Sau một thời gian dài “lỡ dở”, mới đây, UBND tỉnh ra quyết định bàn giao công trình hệ thống cấp nước xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cho Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Điều mà đáng lẽ trước đó phải được thực hiện theo Quyết định 74 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý công trình nước sạch nông thôn (công trình từ 500 m3/ngày đêm được giao trung tâm hoặc doanh nghiệp quản lý, vận hành).
Chỉ vì tại thời điểm bàn giao, so với công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước cho 1.085 hộ dân ở xã Thạch Sơn (tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng) thì công trình này chỉ cung cấp cho 179 hộ dân sau khi kết thúc giai đoạn 1. Vì thế, gần 2 năm sau ngày đi vào hoạt động thì nhà máy này vẫn không có cơ chế quản lý hoàn chỉnh. Một công trình có mức đầu tư hơn chục tỷ đồng, cuối cùng trao tay tạm thời cho một tổ quản lý tư nhân do xã lựa chọn.
Ông Nguyễn Hữu Niêm - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Sơn cho biết: “Theo tỷ lệ đối ứng, địa phương phải đóng góp 3,5 tỷ đồng, tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên địa phương chưa cân đối được nguồn lực, vì vậy, việc triển khai dự án đang bị chững lại. Nhà máy chỉ mới phục vụ được 179 hộ, tuy nhiên, do nhu cầu dùng nước nên xã phải tạm giao cho tổ quản lý để vận hành, đồng thời bắt nối đường ống cho thêm 100 hộ phát sinh ngoài dự án giai đoạn 1”.
Tổ quản lý nhà máy tạm thời “vận dụng” thu mỗi hộ 2 triệu đồng, tự động lắp đặt ống nước và đồng hồ cho các hộ có nhu cầu sử dụng. Việc thu tiền, quản lý nguồn thu hiện nay cũng đang được phó thác cho tổ quản lý tạm thời đứng ra mà chuyên môn chính của người đứng chủ là… thầu xây dựng và nuôi trồng thủy sản. Tất nhiên, mô hình hoạt động này đã phá hủy mục đích ban đầu của dự án. Và, chưa nói đến chuyện hạch toán thu - chi có đúng quy định hay không, công tác vận hành do đơn vị không tổ chức, không năng lực, không tài chính đã dẫn đến sự tạm bợ, ảnh hưởng đến chất lượng bền vững của công trình.
Mặc dù thường xuyên bị đe dọa bởi nguồn nước không đảm bảo nhưng người dân Gia Phố (Hương Khê) vẫn chưa được sử dụng ổn định nguồn nước từ nhà máy nước sạch
Nhà máy Nước sạch xã Gia Phố (Hương Khê) có tổng mức đầu tư lên đến 18 tỷ đồng, thi công nhiều giai đoạn, hết 4 năm thì công trình này mới được bàn giao cho địa phương để đi vào hoạt động. Thế nhưng, chỉ chóng vánh trong một thời gian ngắn, sự “cầm cự” không còn đủ sức để duy trì hoạt động kể từ sau trận lụt hồi tháng 10/2016. HTX Nước sạch và Môi trường Gia Phố không đủ tiền đầu tư, sửa chữa, tiền thu không đủ bù chi cho công tác vận hành, ngân sách của xã không đủ “nuôi” nhà máy.
Giám đốc HTX Nước sạch và Môi trường Gia Phố - Lê Đình Nam cho biết: “Nguồn hỗ trợ từ xã không có, muốn khởi động lại nhà máy phải mất hàng tỷ đồng tiền sửa chữa. Trong khi đó, nguồn thu từ các hộ sử dụng nước không đủ cho hoạt động nên HTX liên tục gặp khó khăn. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị trả lại nhà máy cho Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh quản lý, vận hành”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 43 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn (36 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và 7 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sinh hoạt đô thị) với công suất 12.600 m3/ngày đêm, cấp nước cho 135.517 người dân. Trong số này, ngoài 11 công trình hoạt động bền vững (chiếm 25%), 8 công trình hoạt động có hiệu quả trung bình (chiếm 9%) thì 24 công trình còn lại hoạt động kém hiệu quả (chiếm 55%).
Ông Hồ Đình Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Sau khi tỉnh có quyết định phân cấp quản lý, vận hành hệ thống công trình cấp nước nông thôn, trung tâm đã tổ chức các đợt tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý cấp xã. Tuy nhiên, ở một số xã, đội ngũ công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo, thiếu chuyên môn nghiệp vụ nên tổ chức quản lý vận hành không ổn định, công trình phát huy hiệu quả kém. Hoạt động của tổ quản lý không tự chủ mà phụ thuộc hoàn toàn vào UBND xã nên công tác duy tu bảo dưỡng, công tác kiểm soát chất lượng nước hạn chế, không thường xuyên, thiếu bền vững”.
Kể cả những công trình phát huy hiệu quả tốt thì vẫn luôn “chật vật” trong vận hành. “Cái khó bó cái khôn”, cái chính vẫn là mô hình quản lý này chưa tự chủ được để điều hành một dịch vụ công ích. Cả về tài chính lẫn năng lực, các công trình đang phụ thuộc nhiều vào ngân sách, còn thu phí dịch vụ từ người sử dụng vẫn “không đủ bù chi”.