Ngay sau khi được thành lập hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ; rồi từ khi thành lập đến nay không hoạt động… Thảm cảnh nào có thể bi đát hơn?
Liên tục thua lỗ
Đối với khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Vận tải thuỷ - Vinacomin: TKV góp 76,452 tỷ đồng (chiếm 75% tổng vốn góp), cổ đông khác đầu tư 23,548 tỷ đồng (chiếm 25%).
Kết quả thanh tra cho thấy ngay sau khi được thành lập, Công ty Cổ phần Vận tải thuỷ hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô, năng lực không phù hợp với yêu cầu của thị trường vận tải thủy, nhưng Hội đồng Quản trị TKV vẫn quyết định cho công ty đầu tư 02 tầu 7000 DWT, đồng thời sử dụng Quỹ Đầu tư Phát triển để cho đơn vị vay trả nợ 356 tỷ đồng sai mục đích sử dụng, không lãi suất, không đúng thẩm quyền, vi phạm Điều 10, Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính quy định cơ chế quản lý tài chính công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Do đó, ngày 20/10/2014, Hội đồng Thành viên TKV đã phải có Nghị quyết số 51/2014/NQ- HĐTV thu hồi 02 tầu với giá trị bù trừ nợ vay là 282,064 tỷ đồng, đồng thời, bàn giao lại cho công ty thuê để kinh doanh khai thác, nhưng đến nay vẫn không mang lại hiệu quả.
Đến ngày 30/6/2015, tổng tài sản của công ty là 119,229 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 79,42 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 64,589 tỷ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông và nợ vay khác 60,192 tỷ đồng (trong đó, nợ TKV 49,222 tỷ đồng) không còn khả năng thanh toán.
Ảnh: http://www.vantaithuytkv.vn
Quyết định đầu tư khi phương án chưa xác định đúng
Khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Đóng tầu Sông Ninh: TKV cùng 02 công ty con đã góp vốn cổ phần 29,07 tỷ đồng, ủy thác Công ty Tài chính TKV cho vay 109 tỷ đồng (đã giải ngân 100,083 tỷ đồng) và trực tiếp cho vay 110,414 tỷ đồng, tổng cộng hơn 250 tỷ đồng để công ty đầu tư đóng mới 03 tầu vận tải than trọng tải 3.000 tấn.
Tuy nhiên, công ty kinh doanh không hiệu quả, tình hình tài chính rất khó khăn kể cả trước, trong và sau khi TKV góp vốn đầu tư, không có khả năng trả nợ vốn vay, dẫn đến TKV và 02 công ty con mất toàn bộ vốn góp 29,07 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi là 52,788 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc TKV quyết định đầu tư khi phương án đầu tư chưa xác định đúng, phù hợp và hiệu quả, vi phạm các quy định tại Điểm Khoản 2, Điều 14 Quy chế Tài chính của TKV ban hành kèm theo Quyết định số 926/QĐ-HĐQT ngày 26/7/2002 và Điểm a, Khoản 3, Điều 12 Nghị định 199/NĐ- CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ.
Từ khi thành lập đến nay không hoạt động
Khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà: Từ khi thành lập đến nay không hoạt động, TKV đã phải trích lập dự phòng giảm giá 47,874 tỷ đồng (100%), nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Nguyên nhân chủ yếu là do Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc TKV quyết định đầu tư khi phương án đầu tư không phù hợp về năng lực, thị trường và vi phạm các quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14 Quy chế Tài chính của TKV ban hành kèm theo Quyết định số 926/QĐ-HĐQT ngày 26/7/2002 và Điểm a, Khoản 3, Điều 12 Nghị định 199/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ, dẫn đến, lỗ, mất vốn.
Kỳ III: Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản và quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai: Vi phạm hàng loạt luật