Tổng Giám đốc TKV ban hành văn bản trái quy định của Thủ tướng Chính phủ và Luật Đấu thầu làm phát sinh tăng chi phí với giá trị lớn…
Đầu tư và mua sắm máy móc, thiết bị: Vi phạm Luật Đấu thầu
Thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 11/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm từ năm 2011 đến năm 2015, TKV và các công ty cổ phần có vốn góp chi phối đã thực hiện đầu tư 19 dự án nhóm A với tổng mức đầu tư là 78.001,173 tỷ đồng; giá trị đã thực hiện 44.887,011 tỷ đồng, đã thanh toán 38.968,231 tỷ đồng. Trong đó: 10 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 42.001,53 tỷ đồng lên 77.059,458 tỷ đồng; 10 dự án chậm tiến độ.
Hầu hết các dự án đầu tư mở rộng sản xuất do TKV và các đơn vị thành viên (Hà Lầm, Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu...) làm chủ đầu tư đều kéo dài và chậm tiến độ, thiết kế kỹ thuật không phù hợp với thiết kế cơ sở.
Một số dự án không phê duyệt kế hoạch đấu thầu (tại Đèo Nai, Cao Sơn)... vi phạm các quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình.
Từ năm 2010 đến tháng 6/2015, TKV đã và đang thực hiện đầu tư 1.100 dự án mua sắm máy móc, thiết bị với tổng mức đầu tư 17.624,652 tỷ đồng, đã thanh toán đến 30/6/2015 là 12.955,140 tỷ đồng. Trong đó: 92 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 1.946,707 tỷ đồng, có dự án điều chỉnh đến 03 lần; 10 dự án chậm tiến độ; 03 dự án chậm quyết toán.
Kiểm tra một số nội dung cho thấyTổng Giám đốc TKV có Văn bản số 112I/QĐ-TKV ngày 21/5/2009 về việc ban hành biên độ giá bán xe ô tô tải, theo đó cho phép các đơn vị trực thuộc (chủ yếu là các đơn vị kinh doanh, khai thác than) ký hợp đồng mua sắm trực tiếp máy móc, thiết bị qua đơn vị trung gian thuộc TKV đều có chức năng chủ yếu là kinh doanh thương mại, không đúng các quy định tại Văn bản số 4718/VPCP- ĐMDN ngày 28/8/2006 của Văn phòng Chính phủ, Văn bản số 1098/TTg-KTN ngày 03/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Luật Đấu thầu, làm phát sinh tăng chi phí với giá trị lớn. Cụ thể:
Cho phép các đơn vị thành viên ký hợp đồng mua 73 tàu điện trị giá 82,587 tỷ đồng theo hình thức mua sắm trực tiếp với Công ty Cổ phần Cơ điện Uông Bí không đúng các quy định nêu trên.
Chỉ định thầu không đúng quy định cho Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ - TKV được thực hiện bán máy móc, thiết bị cho các đơn vị thuộc TKV và hưởng chi phí tiêu thụ, lợi nhuận (xe ô tô từ 3,46% đến 14% giá xuất xưởng) trị giá 64,44 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Coalimex được chỉ định thầu mua sắm máy móc, thiết bị để bán cho các đơn vị khai thác thuộc TKV với tổng giá trị hơn 13,221 triệu USD, hưởng chi phí tiêu thụ và lãi hơn 30,723 tỷ đồng.
Công ty ty Cổ phần Du lịch và Thương mại đã bán với tổng giá trị 230,623 tỷ đồng, được hưởng hơn 1,223 tỷ đồng.
Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị có thông qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tham gia đấu thầu và trúng thầu duy nhất là các liên danh giữa nhà sản xuất, cung cấp máy móc, thiết bị với một trong các đơn vị kinh doanh thưong mại thuộc TKV như nêu trên.
Theo quy định của hợp đồng liên danh, nhà sản xuất, cung cấp phải chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết các công việc (sản xuất, vận chuvển, lắp ráp, bảo hành máy móc thiết bị ...) theo yêu cầu của bên mua. Các đơn vị thuộc TKV tham gia liên danh chỉ phải thực hiện các công việc về thủ tục ký kết hợp đồng và thanh toán... mà không phải đầu tư chi phí, nhưng được hưởng thu nhập theo tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng (từ 6 đến 10%) như: Công ty Cổ phần Coalimex được hưởng 14,184 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ 41,993 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại 19,67 tỷ đồng.
Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên và môi trường: Vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản
Kiểm tra tại 06 công ty cổ phần than (Núi Béo, Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Lầm và Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ) cho thấy: Đây là các đơn vị khai thác than đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép trên tổng diện tích là 31.606.419,17 m2. Tại thời điểm thanh tra còn 5.154.121,2 m2 chưa được các đơn vị ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, vi phạm Luật Đất đai.
TKV đã chấp thuận để Công ty Than Thống Nhất đầu tư 1.336,129 tỷ xây dựng cơ bản mỏ từ năm 2009 đến tháng 6/2015 nhưng chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Việc làm trên của TKV và Công ty Than Thống Nhất vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 8 Luật Khoáng sản năm 2010.
TKV đã thực hiện chi phí hơn 30 tỷ đồng để thăm dò, khai thác than tại khu Tây Ngã Hai. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao khu đất này cho Tập đoàn INDEVCO đầu tư Công viên Nghĩa trang An Lạc và được Bộ Công Thương chấp thuận tại Văn bản số 5414/BCT-TCNL ngày 17/6/2014 về việc thu hồi, chế biến than từ Dự án Công viên Nghĩa trang An Lạc.
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trực tiếp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã kiểm tra và kết luận tại Văn bản số 2915/KL-ĐCKS ngày 27/12/2014 về hoạt động thu hồi than tại Dự án Xây dựng Công viên Nghĩa trang An Lạc, nhưng đến nay các kết luận và kiến nghị chưa được các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
Theo báo cáo của TKV và kiểm tra tại một số mỏ (Mông Dương, Hòn Gai, Uông Bí...) về công tác quy hoạch, quản lý, xử lý môi trường đối với nước và đất, đá đổ thải trước, trong và sau khai thác cho thấy, hàng năm, căn cứ yêu cầu thực tế, TKV và các đơn vị lập các dự án khai thác, đổ thải và xử lý môi trường bãi thải, nước thải cục bộ, sau đó giao cho các đơn vị thuộc TKV thực hiện, chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu. Thực tế, việc xử lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, môi trường không khí và nước tại các khu vực cẩm Phả, Hòn Gai còn bị ô nhiễm nặng...
Kỳ IV: Hoạt động sản xuất kinh doanh: Hàng loạt tồn tại