Quản lý, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (quản lý đầu tư công) là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, do số lượng các dự án và nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư vào là rất lớn. Thiệt hại từ các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này gây mất lòng tin của nhân dân vào chế độ và làm giảm uy tín của đất nước đối với các Nhà tài trợ quốc tế.
Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi tham nhũng trong quản lý, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức được tác hại của tham nhũng đối với đất nước và đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế tiến tới đẩy lùi tham nhũng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, từ cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật cho đến trình độ cán bộ thực thi và sự tinh vi, các thủ đoạn đối phó của đối tượng… nên các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này vẫn phát sinh phức tạp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư công trong thời gian qua đã đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, đó là:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công.
Từ năm 2006 trở về trước, việc quản lý, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nướcđược quy định tại nhiều luật khác nhau, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... và hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật này. Thời điểm đó, do chưa có một hệ thống văn bản pháp lý thống nhất quy định về toàn bộ quá trình phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đã gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai và thực hiện công khai, minh bạch trong phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2006-2010, quy định pháp luật liên quan đến công khai, minh bạch trong việc quản lý, phân bổ vốn đầu tưtừ nguồn ngân sách nhà nước đã được hoàn thiện hơn. Đặc biệt với việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 đã lần đầu tiên tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để phân bổ vốn đầu tư phát triển bảo đảm tính công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng.
Giai đoạn từ 2011-2015, hệ thống quy định pháp luật liên quan đến công khai, minh bạch trong việc quản lý, phân bổ vốn đầu tưtừ nguồn ngân sách nhà nước có bước chuyển biến mạnh mẽ. Kế thừa các kết quả đạt được của Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn giai đoạn 2011-2015. Các quy định trong Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg tiếp tục góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng.
Tiếp theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, ngày 15/11/2011 Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg về việc tăng cường quản lýđầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; trong đó, giao quyền cho các bộ, ngành Trung ương vàđịa phương chủ động lập danh mục, chủ động phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Bộ Kế hoạch vàĐầu tư chịu trách nhiệm rà soát để bảo đảm đầu tư tập trung đúng mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và thông báo mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn 2014-2015 để công khai nguồn lực đầu tư cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương được biết và chủ động trong việc cân đối các nguồn vốn đầu tư, khắc phục các nhược điểm trong việc lập và thực hiện kế hoạch đầu tư trong giai đoạn trước. Đồng thời công bố công khai toàn bộ vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và địa phương để các cấp, các ngành và cộng đồng có thể giám sát nhằm phòng, chống tham nhũng, khắc phục các tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, do mới làm lần đầu, các chế định pháp lý chưa đầy đủ, nên tác dụng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2014-2015 còn hạn chế.
Các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg đã được thể chế hóa trong Luật Đầu tư công. Với việc ban hành Luật Đầu tư công đã tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác trong quản lý các nguồn vốn đầu tư công (trong đó có nguồn vốn ngân sách nhà nước). Việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của các chương trình, dự án đầu tư công kết hợp với đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, cắt khúc ra từng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tưđúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước. Luật Đầu tư công đã dành một Chương quy định chặt chẽ các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, thanh tra kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án, đặc biệt các quy định về công khai, minh bạch và giám sát được quy định trong Luật đáp ứng được yêu cầu quản lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có thể nói, hệ thống pháp lý trong giai đoạn này đã có bước tiến lớn về bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện pháp lýđể đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp tục bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính khả thi trong thực tiễn.
Các nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, bao gồm:
(1) Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;
(2) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công;
(3) Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
(4) Quy hoạch, kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;
(5) Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư;
(6) Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm theo từng nguồn vốn, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án;
(7) Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công;
(8) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án;
(9) Tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án theo từng nguồn vốn;
(10) Kết quả nghiệm thu, đánh giá thực hiện chương trình, dự án.
Hình thức công khai bao gồm: Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử và cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, tăng cường thanh tra về đầu tư công.
Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong giai đoạn 2011-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đổi mới công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, chủ động nghiên cứu chuyển các nội dung thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề, phạm vi rộng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trong đó có chuyên đề “Thanh tra về đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước (đầu tư công)”.
Tính đến hết năm 2017, Bộ KH&ĐT đã tiến hành 42 cuộc thanh tra chuyên đề về đầu tư phát triển sử dụng nguồn vốn nhà nước (đầu tư công) tại các địa phương và đã ban hành 37 Kết luận thanh tra. Mỗi cuộc thanh tra chuyên đề đều tập trung vào các nội dung sau:
- Công tác ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về phân cấp quản lý và sử dụng nguồn vốn: Kiểm tra việc phân cấp, ủy quyền và việc triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của địa phương so với quy định hiện hành.
- Công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án của địa phương: Đánh giá việc thực hiện thẩm quyền và căn cứ đưa ra quyết định chủ trương đầu tư; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; việc phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn.
- Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quyết định đầu tư các dự án: Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.
- Công tác phân bổ, bố trí vốn đầu tư công tại địa phương: Rà soát đánh giá công tác lập kế hoạch vốn, thẩm định, phân bổ vốn; nguồn vốn; ứng vốn; chuyển nguồn; tiêu chí bố trí; thứ tự ưu tiên bố trí vốn…
- Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản và giải pháp xử lý nợ đọng của địa phương: Tổng hợp, đánh giá về tình hình nợ đọng theo Luật đầu tư công, giải pháp xử lý nợ đọng của địa phương; việc xử lý nợ đọng theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.
- Công tác giám sát, đánh giá đầu tư: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của người ra quyết định đầu tư, chủ đầu tư theo Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 và Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 về giám sát và đánh giá đầu tư… Đặc biệt lưu ý số liệu đã báo cáo Bộ KH&ĐT so với tình hình thực hiện thực tế.
- Kiểm tra và đánh giá công tác triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư (kiểm tra toàn diện từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng của dự án): Từ số liệu, kết quả của dự án cụ thể để chứng minh, làm rõ những vấn đề tổng thể về quản lý, sử dụng và phân bổ vốn đầu tư tại từng địa phương cụ thể.
Qua thanh tra chuyên đề đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra một số vấn đề mấu chốt, toàn diện về đầu tư, sử dụng vốn nhà nước của các địa phương, từ đó có những kiến nghị điều chỉnh cơ chế chính sách, ban hành văn bản, quản lý vốn đầu tư công, chấn chỉnh tình trạng dàn trải trong đầu tư và nợ đọng xây dựng cơ bản… Bên cạnh đó, kết quả thanh tra cũng đã kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền 7.151 tỷ đồng.
Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, để nâng-- cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng trong đầu tư công, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là,rà soát, sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung trong Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành để khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo các quy định về đầu tư công phù hợp với bối cảnh của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư nói riêng, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công.
Hai là, các cấp, các ngành cần tăng cường các biện pháp kiên quyết khắc phục ngay tình trạng chuẩn bị sơ sài và quyết định chủ trương đầu tư một cách cảm tính, hình thức, gây lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.
Ba là, tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; đối với kế hoạch đầu tư trung hạn, các chương trình, dự án phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có ghi rõ mục tiêu, quy mô, nguồn vốn và cân đối các nguồn vốn để thực hiện. Đối với kế hoạch đầu tư công hằng năm, các chương trình, dự án phải có quyết định đầu tư do cấp có thẩm quyền quyết định.
Trong việc phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể phải thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg. Bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đã được quy định.
Bốn là, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng (chưa phân bổ) theo nguồn vốn đã giao cho các bộ, ngành trung ương và địa phương chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án mới ngoài các quy định trong Luật.
Năm là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về kế hoạch đầu tư công đã được Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định./.
(*)Lược ghi tham luận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.