“Hơn 70 dự án đã được thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia”. Đây là nội dung đáng chú ý trong Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại Bộ Giao thông Vận tải, do Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới thông báo.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: V.H
100% dự án BT, BOT là chỉ định thầu
Về ưu điểm, TTCP đánh giá, Bộ GTVT đã kịp thời triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT)...góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp, giảm bớt áp lực nợ công, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống KCHT giao thông quốc gia. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần mở rộng phương thức quản lý, khai thác KCHT giao thông mới, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển; người tham gia giao thông có thêm lựa chọn điều kiện giao thông thông thoáng an toàn hơn.
Tuy nhiên, không ít khuyết điểm, vi phạm được TTCP chỉ rõ. Cụ thể thứ nhất, chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư; việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng một hàng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế, khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực.
Điều này, đã dẫn đến việc đàm phán ký kết với nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập, sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.
Thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí
TTCP cũng chỉ rõ, Bộ GTVT chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông để từ đó có cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư trong đó có hình thức BT, BOT; Coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.
Đáng chú ý, các dự án đã quyết định đầu tư bằng hình thức BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông không có sự lựa chọn khác, điển hình như các khu vực: Hà Nội – Thái Bình – Nam Định – Hưng Yên – Hòa Bình.
Chính vì vậy, đã phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tìm cách tránh trạm thu phí đi vào đường ngang, ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và nguy cơ mất an toàn giao thông.
Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thu phí kéo dài.
TTCP cũng khẳng định: “Phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông không hợp lý. Tại các dự án: Đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình, Dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới, Dự án nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đã quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt”.
Đáng nói, khi phê duyệt các dự án đầu tư, đã ghép việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 với Đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc – Hòa Bình và ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km Quốc lộ 3 với xây dựng mới đường Thái Nguyên – Chợ Mới thành 1 dự án rồi mỗi dự án đặt 2 trạm thu phí ở 2 nơi không hợp lý.
Hoặc, Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thành 2 giai đoạn thực hiện chưa đảm bảo kết nối tốt, đồng bộ các hạ tầng hạng mục giao thông hiện có.
Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 Km 123+105 đến Km 268 đã phê duyệt mục mua quyền khai thác trạm thu phí dự án khác không thuộc danh mục quy định trong tổng mức đầu tư; phê duyệt chi phí GPMB không sát, sai lệch lớn so với thực tế (459.844 triệu đồng/32.710 triệu đồng); phê duyệt tách Dự án cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123+105,17 khỏi dự án tổng thể Km0+000 đến Km 268 thành dự án độc lập nhưng không thực hiện đầy đủ các quy định về thẩm định dự án để xác định các chi phí phù hợp với thời điểm phê duyệt...