(Baohatinh.vn) - Các ý kiến phát biểu tại hội trường của đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn trong bàn thảo để tìm ra các giải pháp căn cơ, phù hợp thực tiễn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển những tháng cuối năm 2020.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp.
Hỗ trợ doanh nghiệp – tạo động lực
Mặc dù rất khó khăn nhưng Hà Tĩnh không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, điều này thể hiện quyết tâm rất cao của hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó khăn gấp đôi, cả hệ thống chính trị phải cố gắng gấp ba để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
Nhận được sự quan tâm đề xuất của nhiều vị đại biểu HĐND tỉnh để đảm bảo sự phát triển từ nay đến cuối năm là việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tham gia “hiến kế” về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đại biểu Đặng Văn Thành (Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, SXKD như: thông quan điện tử, nộp thuế điện tử, thủ tục biên phòng điện tử và cấp đổi các loại thị thực, tạo điều kiện cho các hoạt động lưu thông biên giới; thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai. Trước mắt, dừng thanh tra tại các doanh nghịiệp bị ảnh hưởng để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động.
Đại biểu Đặng Văn Thành (Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) phát biểu thảo luận
Cũng vấn đề này, đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) cho rằng, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong tỉnh để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển... Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình lớn.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc)tham gia góp ý
Cùng chung quan điểm, một số đại biểu đề xuất chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II, III/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền UBND tỉnh quyết định.
Rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đang vướng mắc về các thủ tục như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, GPMB, thủ tục giao đất, cho thuê đất... để kịp thời có giải pháp tháo gỡ theo hướng vận dụng tối đa, linh hoạt, không quá cứng nhắc các quy định để sớm hoàn tất thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, nhằm huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy SXKD.
Phát triển sản xuất nông nghiệp - “đòn gánh” nền kinh tế
Nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay. Đi qua khó khăn 6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế trụ đỡ, “gánh” nền kinh tế.
Tham gia ý kiến về phát triển nông nghiệp, đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu Hương Khê) đề nghị xem xét, đánh giá bổ sung: dự báo năng suất, sản lượng vụ Hè Thu, cây ăn quả có múi, diện tích rừng mới trồng khi bị ảnh hưởng nắng nóng kéo dài; công tác kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các chủ rừng nhà nước, của các loại cây công nghiệp... để có cơ sở so sánh, đối chiếu, từ đó đề ra giải pháp lựa chọn các loại giống, cây trồng phù hợp, có biện pháp chăm sóc hữu hiệu.
Đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu Hương Khê)đóng góp ý kiến
Đại biểu Huấn cũng đề nghị cần tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển đàn vật nuôi nhất là đàn lợn, đàn bò, đàn hươu và đầu tư trung tâm sản xuất giống Hươu có năng suất, chất lượng cao để phục vụ người dân phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế phù hợp để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng miền để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là kêu gọi, thu hút đầu tư, triển khai các dự án phù hợp với tiềm năng lợi thế phát triển nền nông nghiệp của các huyện miền núi.
Thay mặt cử tri Hương Sơn, đại biểu Trần Văn Kỳ (Tổ đại biểu Hương Sơn) đề nghị cần ưu tiên nghiên cứu, xử lý, hỗ trợ người trồng chè công nghiệp ở Hương Sơn đảm bảo thu nhập, việc làm, ổn định sản xuất vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 sản phẩm không xuất khẩu được.
Đại biểu Trần Văn Kỳ (Tổ đại biểu Hương Sơn) phát biểu thảo luận
Cũng theo đại biểu Kỳ, HĐND tỉnh cũng soát xét, đánh giá hiệu quả trồng cao su để có định hướng đúng và có các biện pháp, giải pháp phù hợp để bảo vệ, phát triển loại cây này. Vì hiện nay ở một số diện tích cây này đã cho sản phẩm nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên người dân tiến hành chặt bỏ hoặc không tái đầu tư.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm (Tổ đại biểu Can Lộc) cho rằng, thời gian tới, cần tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với điều kiện, khí hậu của từng địa phương; nghiên cứu chuyển đổi từ trồng các loại cây có giá trị gia tăng thấp sang những loại cây thị trường trong nước có nhu cầu cao.
Tổ Thư ký kỳ họp
Đại biểu Sâm đề nghị, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn để tái đàn lợn, đáp ứng cân bằng cung cầu trong vùng với giá cả hợp lý. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Về lâu dài, theo đại biểu Sâm, để đảm bảo nền chăn nuôi phát triển thì tỉnh cần đánh giá cụ thể các điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, từ đó nghiên cứu các chính sách hữu hiệu để khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn, dê truy xuất nguồn gốc…
Ngoài các lĩnh vực về phát triển kinh tế, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian “hiến kế” cho các vấn đề về xã hội như: nghiên cứu đầu tư để giải quyết căn bản việc xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt; ưu tiên nguồn lực cho các công trình nước sạch nông thôn; cân nhắc lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1…