Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò Nhân dân để hoàn thành mục tiêu các nghị quyết về xây dựng NTM, tích tụ ruộng đất.
Chiều 26/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025” (Nghị quyết số 04); Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết số 06).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu cấp tỉnh và trực tuyến đến 234 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với gần 9.900 đại biểu tham dự.
Đại biểu dự hội nghị.Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, con em xa quê…, chương trình MTQG xây dựng NTM Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Lũy kế đến nay có 181/181 xã đạt chuẩn NTM, 66 xã NTM nâng cao, 17 xã NTM kiểu mẫu; 10/13 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1.210/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết.Về đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”, hiện có 7/7 chỉ tiêu đạt từ 70-90% so với yêu cầu. Đặc biệt là việc hoàn thành và công bố Quy hoạch tỉnh; cơ sở hạ tầng KT-XH được nâng cấp, đầu tư, góp phần quan trọng tạo kết nối vùng và động lực phát triển KT-XH của nhiều địa phương. Công tác cải cách hành chính được tăng cường, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và ý thức phục vụ Nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Đức Thọ Nguyễn Thành Đồng tham luận về một số giải pháp xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.Các địa phương có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình NTM… Những kết quả trong thời gian qua đang góp phần quan trọng để Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành các yêu cầu của bộ tiêu chí tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Võ Thị Hương - Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn tham luận về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.Về thực hiện Nghị quyết số 06, hiện đã có 11/13 huyện, thành phố (trừ thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh) triển khai công tác tập trung, tích tụ ruộng đất và có sản phẩm trên thực tế. Kết quả, toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được 10.120,35 ha đất nông nghiệp, đạt 67,47% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cụ thể: Can Lộc 3.529,8 ha; Lộc Hà 1.279,3 ha; Thạch Hà 1.210,33 ha; Cẩm Xuyên 967,9 ha; huyện Kỳ Anh 948,5 ha; Nghi Xuân 634,2 ha; Đức Thọ 635,8 ha; Hương Sơn 179,64 ha…
Đến nay, có 5/13 huyện, thành phố đã hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất theo hình thức thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tạo thành vùng sản xuất tập trung. Kết quả, các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung, tích tụ được 320,23 ha.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn tham luận về khó khăn, giải pháp thực hiện công tác chuyển đổi ruộng đất.Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết và kiến nghị một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cho rằng, đây là 2 nghị quyết quan trọng, tác động lớn đến đại đa số người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đồng thời chỉ ra những bất cập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng kết luận hội nghị.Đối với Nghị quyết số 04, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá, việc lựa chọn Hà Tĩnh thực hiện đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá, sự tin tưởng của Trung ương đối với địa phương. Đến nay, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển khá, hệ thống dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Cơ sở hạ tầng KT-XH tiếp tục được nâng cấp, đầu tư, góp phần quan trọng tạo kết nối vùng và động lực phát triển KT-XH của nhiều địa phương. Văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực, chú trọng việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng các quy tắc ứng xử cộng đồng. Chương trình OCOP được tập trung chỉ đạo, đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn. Phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu được duy trì, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và diện mạo khang trang cho nhiều địa phương - đây là cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 ước đạt gần 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,41%...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần người dân; rà soát, đánh giá kết quả các chỉ tiêu để có giải pháp thực hiện hiệu quả. Cốt lõi nhất vẫn là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân; tiếp tục ưu tiên ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; đa dạng hóa các hình thức vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; đặc biệt ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung…
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 06, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, sau 3 năm thực hiện, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được 10.120,35 ha đất nông nghiệp, đạt 67,47% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nội dung nghị quyết; một số khó khăn ở cơ sở chưa được giải quyết kịp thời; tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất đạt thấp; tư duy kinh tế nông thôn chưa được thấm sâu ở nông dân.
Gợi mở nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất. Các ngành chuyên môn bám sát nghị quyết và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng NTM, tích tụ ruộng đất; HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách thực hiện nội dung các nghị quyết sát và hiệu quả hơn nữa.