Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng việc triển khai xây dựng các văn bản, nghị định của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra được thực hiện nghiêm túc và đa số hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng việc triển khai xây dựng các văn bản, nghị định của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra được thực hiện nghiêm túc và đa số hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế trong một cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Bộ Xây dựng vào tháng 4/2021. Ảnh: TH
Hoàn thành hàng loạt văn bản, thông tư
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện Kế hoạch Xây dựng thể chế năm 2021, Thanh tra Chính phủ tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các nghị định của Chính phủ và quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập…
Theo đó, trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ có 13 văn bản sẽ được triển khai xây dựng và hoàn thành, riêng Vụ Pháp chế được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng 6 văn bản. Các văn bản còn lại được các cục, vụ khác triển khai xây dựng. Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cơ bản thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và thời gian theo chương trình đề ra.
Đến nay, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hoàn thành và ban hành 7 thông tư phục vụ cho nhiệm vụ của ngành: Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân; Thông tư 02/2021/TT-TTCP quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); Thông tư số 03/2021/TT-TTCP quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN tại chính quyền địa phương; Thông tư số 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân; Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn KN, đơn TC, đơn kiến nghị, phản ánh; Thông tư số 06/2021/TT- TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KNTC và PCTN.
Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng việc lấy ý kiến đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) luôn được Vụ Pháp chế chủ động thực hiện, ngoài việc tổ chức các hội thảo, Vụ Pháp chế còn trực tiếp đặt lịch làm việc và mời các chuyên gia tư pháp góp ý trực tiếp vào dự thảo. Đồng thời, sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Vụ đã trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và hiện nay đã có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Không gián đoạn công tác xây dựng pháp chế
Cũng trong thời gian vừa qua, Vụ Pháp chế còn tham gia góp ý, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và gửi xin ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, trình Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước kí ban hành.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ. Tổng hợp, tham mưu thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục xây dựng dự thảo thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết KN, hồ sơ giải quyết TC.
“Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhưng xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp chế của ngành Thanh tra là nhiệm vụ luôn được ưu tiên, nên ngay từ đầu năm, Vụ đã lên kế hoạch, ấn định thời gian hoàn thiện. Vì vậy, khi dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật đã không bị ảnh hưởng. Các anh em trong Vụ nâng cao tính chủ động, vừa đảm bảo công tác phòng dịch mà không làm gián đoạn hay chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đề ra, mà trái lại thực hiện rất nghiêm túc và kết quả là đến nay đa số các văn bản được ban hành đúng tiến độ với chất lượng và hiệu quả cao” - ông Minh nói.
Ngoài ra, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai mạnh mẽ, với những hình thức phù hợp bằng nhiều cách như: In ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN, gửi các bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền (sách hỏi, đáp pháp luật về PCTN; sách tìm hiểu những nội dung cơ bản của pháp luật PCTN; tờ gấp về những nội dung cơ bản của Luật PCTN để dịch ra 5 thứ tiếng dân tộc thiểu số; đăng tải Sách “Kinh nghiệm quốc tế về PCTN” trên Cổng Thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tìm hiểu).
Đặc biệt, Vụ Pháp chế đã phối hợp với Báo Thanh tra tổ chức “Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về PCTN”. Cuộc thi thu hút đông đảo cán bộ trong và ngoài ngành Thanh tra tham gia, tạo hiệu ứng lan truyền về công tác PCTN trong cả nước.
Ngoài ra, trong năm 2021, Vụ Pháp chế còn tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ góp ý văn bản pháp luật và hướng dẫn, trả lời các vấn đề liên quan đến pháp luật thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN do các bộ, ngành, địa phương gửi xin ý kiến; tham mưu trả lời các phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ; thực hiện các công việc đột xuất phát sinh theo yêu cầu của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ như xây dựng và tham mưu ban hành Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 19/NQ-TW, Báo cáo Kết quả hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về PCTN.
Tiếp tục hoàn thành công tác pháp chế năm 2021
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Minh cho biết, Vụ sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện các văn bản luật theo kế hoạch công tác pháp chế năm 2021, như: Tiếp tục hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) để trình Chính phủ trong tháng 11-12/2021; tham mưu giúp Tổng Thanh tra góp ý văn bản pháp luật và hướng dẫn, trả lời các vấn đề liên quan đến pháp luật thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN do các bộ, ngành, địa phương gửi xin ý kiến; tham mưu trả lời các phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ; thực hiện các công việc đột xuất phát sinh theo yêu cầu của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ.
Đồng thời, hoàn thiện các dự thảo văn bản Kế hoạch Xây dựng thể chế năm 2021 của Thanh tra Chính phủ. Giúp Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tiếp tục thực hiện công tác tư pháp, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác rà soát, kiểm tra, pháp điển hóa văn bản pháp luật năm 2021 của Thanh tra Chính phủ. Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về PCTN tại một số bộ, ngành, địa phương (khi dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi); tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng báo cáo trình Tổng Thanh tra Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo theo dõi thi hành pháp luật về PCTN; tuyên truyền, quán triệt Luật KN, Luật TC, Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành tại một số bộ, ngành, địa phương.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)