Năm 2024, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tiếp gần 400 nghìn lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
Theo báo cáo thống kê, trong năm 2024, các cơ quan hành chính đã tiếp gần 400 nghìn lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 7,2% so với năm 2023), với tổng số người được tiếp là hơn 400 nghìn người (giảm 7,3%) về hơn 290 vụ việc (giảm 1,5%). Trong đó có gần 3,7 nghìn đoàn đông người (tăng 15,7%).
Đáng chú ý, trong tổng số đơn khiếu nại đủ điều kiện xử lý, khiếu nại về lĩnh vực đất đai, nhà cửa chiếm 58,2% (tăng 1,0% so với năm 2023); khiếu nại về lĩnh vực chế độ, chính sách chiếm 16,5% (tăng 2,6%); khiếu nại về lĩnh vực tư pháp chiếm 2,9% (giảm 1,5%); còn lại là khiếu nại về các lĩnh vực khác.
Trong tổng số đơn tố cáo đủ điều kiện xử lý, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 82,0% (tăng 2,2%); tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 23,7% (tăng 15,7%); tố cáo hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 4,0% (tăng 1,7%).
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết hơn 27 nghìn/hơn 33 nghìn vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81,4%.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 19 tỷ đồng, 0,5 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 34,9 tỷ đồng, 117 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 2.318 cá nhân; kiến nghị xử lý 497 người (trong đó có 412 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 30 vụ, 34 đối tượng (có 23 cán bộ, công chức).
Phân tích từ kết quả giải quyết hơn 14,2 nghìn vụ việc khiếu nại lần đầu cho thấy: Có 766 khiếu nại đúng (chiếm 5,4%); 12.347 khiếu nại sai (86,9%); 1.098 khiếu nại có đúng, có sai (7,7%). Phân tích từ kết quả giải quyết 2.561 vụ việc khiếu nại lần hai cho thấy, số vụ việc công nhận kết quả giải quyết lần đầu là 2.240 (87,5%); số vụ việc phải sửa quyết định giải quyết lần đầu là 321 vụ (12,5%). Còn lại là các vụ việc rút đơn thông qua giải thích, thuyết phục.
Phân tích kết quả giải quyết gần 7,4 nghìn vụ việc tố cáo bằng quyết định hành chính cho thấy có 440 tố cáo đúng (6,0%), hơn 4 nghìn vụ việc tố cáo sai (55%), gần 2,2 nghìn vụ việc tố cáo có đúng, có sai (28,6%), còn lại là vụ việc rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc vụ việc đình chỉ không do rút tố cáo.
Đặc biệt, trong số các vụ việc tố cáo nêu trên, có gần 600 vụ việc tố cáo tiếp phải giải quyết, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 531 vụ việc (đạt 89,5%). Phân tích kết quả giải quyết cho thấy có 42 tố cáo tiếp đúng (7,9%); 440 tố cáo tiếp sai (82,9%); 49 tố cáo tiếp có đúng có sai (9,2%).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại một buổi tiếp công dân tại Hà Nam, năm 2024. Ảnh: L.A |
Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Có được những kết quả trên là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện pháp luật và chấn chỉnh quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; qua đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn, là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản …
Trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với các cơ quan, đơn vị và tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp.
Việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, địa điểm, trụ sở tiếp công dân, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân được quan tâm thường xuyên nên công tác tiếp công dân ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước thực hiện tốt công tác tiếp công dân; người đứng đầu xây dựng kế hoạch, lịch tiếp công dân hằng tháng, công khai tại địa điểm tiếp công dân và trên cổng thông tin điện tử để thuận tiện cho người dân tra cứu, theo dõi.
Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ và địa điểm tiếp công dân được thực hiện theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm trang bị cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này…
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở; phối hợp rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên trung ương.
Các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định và coi trọng quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo; quan tâm bảo vệ thông tin của người tố cáo theo quy định.
Đối với Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước, số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính thuộc thẩm quyền chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với cả nước. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều được thụ lý, giải quyết theo quy định.
Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc người khiếu kiện đến các cơ quan trung ương tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, đối thoại với mục tiêu giải quyết dứt điểm vụ việc.
Qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết nghiêm minh, khách quan, đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước. Các ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán nhà nước không có vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên, tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, những địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định, kết luận, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm nhằm thực hiện tốt pháp luật và các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị chức năng với sự tham gia tích cực, hiệu quả và thực chất của các tổ chức chính trị - xã hội đã đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, thực hiện kịp thời, thường xuyên, chặt chẽ, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết dứt điểm vụ việc; nhất là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, các vụ việc đông người vượt cấp lên trung ương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù nhóm đối tượng, vùng, miền.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát về công tác này.