Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với PV Báo Thanh tra về công tác thanh tra, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thành lập ngành Thanh tra Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với PV Báo Thanh tra về công tác thanh tra, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thành lập ngành Thanh tra Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam
Từng bước theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại
Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt.
76 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Thanh tra luôn kế thừa, phát huy truyền thống, nỗ lực, phấn đấu vươn lên, tô thắm thêm từng trang sử của ngành và càng cảm thấy tự hào hơn vì mình đã góp một phần công sức nhỏ trong sự phát triển của ngành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” và thực tiễn đã chứng minh, công tác thanh tra luôn là một yêu cầu khách quan, là chức năng thiết yếu, không thể thiếu trong quản lý Nhà nước.
Những năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đạt nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng.
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng công tác thanh tra đã được thực hiện chủ động có hiệu quả, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai hơn 5,2 nghìn cuộc thanh tra hành chính và gần 140 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 45,6 nghìn tỷ đồng, gần 7 nghìn ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 11,9 nghìn tỷ đồng và hơn 3,3 nghìn ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng và hơn 3,4 nghìn ha đất; ban hành 99.913 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.464 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.246 tập thể và 4.194 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 216 vụ, 152 đối tượng.
Về công tác thanh tra hành chính, toàn ngành tiến hành 5.266 cuộc thanh tra hành chính, tổng hợp từ 3.682 cuộc thanh tra đã ban hành kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền hơn 5,2 nghìn tỷ đồng và hơn 6,8 nghìn ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 1,6 nghìn tỷ đồng và hơn 3,3 nghìn ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 3,5 nghìn tỷ đồng và hơn 3,4 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.246 tập thể và 4.194 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 64 vụ, 64 đối tượng.
Đối với cơ quan Thanh tra Chính phủ, do tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên trong 9 tháng đầu năm chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra tại Nam Định và Yên Bái. Tiếp tục thực hiện 32 cuộc thanh tra năm 2020 chuyển sang (trong đó có 3 cuộc đang tiến hành thanh tra). Đã ban hành 10 kết luận thanh tra và điều chỉnh 1 kết luận thanh tra. Còn 22 cuộc thanh tra năm 2020 chuyển sang, trong đó, có 15 cuộc thanh tra đang hoàn thiện kết luận thanh tra; 4 cuộc đang xây dựng báo cáo và 3 cuộc chưa kết thúc thanh tra.
Trong tháng 10, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần ổn định, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức triển khai một số cuộc thanh tra theo kế hoạch, bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên… và công bố kết luận thanh tra tại Ninh Bình.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cũng cho biết, những năm qua và nhất là giai đoạn hiện nay, Thanh tra Chính phủ cũng như ngành Thanh tra đã có những chuyển biến quan trọng cả về tổ chức và hoạt động; đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Công tác thanh tra chuyển theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, từng bước đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần sáng tạo, trình độ và có bản lĩnh
Nói về công tác thanh tra trong thời gian tới, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tiếp tục tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định; khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp; các cuộc thanh tra đột xuất (nếu có) do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp yêu cầu, chỉ đạo.
Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; có biện pháp xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện kết luận thanh tra, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Căn cứ vào Định hướng Chương trình thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, đồng thời hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí mà dư luận xã hội quan tâm, tránh chồng chéo, trùng lắp. Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết số 128 của Chính phủ, trong đó tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
Để làm được điều đó, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, cần sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra và cần tiếp tục khơi dậy niềm tự hào đối với truyền thống ngành, tiềm năng, trí tuệ của mỗi tập thể, đơn vị, cá nhân, phát huy tính chủ động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng như toàn ngành Thanh tra trong tình hình mới và khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
“Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có điểm tựa, niềm tin vững chắc là truyền thống của ngành Thanh tra, là kinh nghiệm của các thế hệ cha, anh đã dày công xây dựng và vun đắp cũng như việc nêu cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, công tâm, khách quan, đúng pháp luật khi thực thi công vụ. Thêm vào đó là sự sáng tạo, trình độ, bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra. Chắc chắn, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với truyền thống 76 năm xây dựng và phát triển của ngành”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh.