Thay mặt Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/11/2021 về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thay mặt Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/11/2021 về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Phần lớn doanh nghiệp quy mô còn nhỏ
Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, phát triển doanh nghiệp, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, quy mô, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Đội ngũ doanh nhân có bước phát triển, thích ứng với cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, quy mô, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, giải quyết việc làm. Trong ảnh: Công nhân tại bộ phận cán dây của Formosa thao tác trong dây chuyền sản xuất
Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn quy mô còn nhỏ; năng lực quản lý, quản trị, năng suất lao động, sức cạnh tranh hạn chế; chưa tiếp cận được thị trường khu vực, quốc tế; một số doanh nghiệp, chưa thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động. Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa được quan tâm.
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan, đó là: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm tạo điều kiện đổi mới, phát triển doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính thiếu quyết liệt; một số cơ chế, chính sách chưa phát huy hiệu quả; hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn chồng chéo. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp, chậm đổi mới theo cơ chế thị trường.
Việc ban hành nghị quyết về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội về đổi mới, phát triển doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo chế độ, chính sách đối với người lao động. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp tạo giá trị lớn, làm đầu kéo dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.
Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định đối với các loại hình doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp
Nghị quyết đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; hằng năm, giải quyết việc làm mới trên 20.000 lao động; hằng năm, hỗ trợ đào tạo khoảng 1.000 lượt người về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp.
Hà Tĩnh phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Đức Thọ kiểm tra công tác phòng dịch tại Công ty Sản xuất bao bì Sông La Xanh (CCN Đức Thọ)
Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có trên 15.000 doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% - 65% GRDP của tỉnh; đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 65% -70% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 60% - 65% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh; phấn đấu trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; phấn đấu 100% doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể theo quy định của Điều lệ Đảng, đoàn thể.
7 nhóm giải pháp thực hiện nghị quyết
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, nghị quyết đưa ra 7 nhóm giải pháp, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đổi mới, phát triển doanh nghiệp;
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới, phát triển doanh nghiệp;
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
Phát triển đội ngũ doanh nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội;
Phát huy vai trò các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đề cao tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân;
Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp;
Năm 2021, nhiều đặc sản Hà Tĩnh tiếp tục được đầu tư đạt chuẩn OCOP. Trong ảnh: Sản xuất nước mắm tại cơ sở Nhất Ninh (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh)
Tổ chức thực hiện nghị quyết
Các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến đổi mới, phát triển doanh nghiệp.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh thường xuyên tuyên truyền các nội dung về đổi mới, phát triển doanh nghiệp.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện nghị quyết và giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nghị quyết được quán triệt đến chi bộ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.
TOÀN VĂN NGHỊ QUYẾT XEM TẠI ĐÂY.