Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đồng tình với quan điểm quan trọng nhất trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phải hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ thông qua các dự án luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc, từ đó triển khai các mục tiêu tiếp theo.
Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đồng tình với quan điểm quan trọng nhất trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phải hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ thông qua các dự án luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc, từ đó triển khai các mục tiêu tiếp theo.
Toàn cảnh phiên họp vào sáng 30/10. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 30/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc trực tuyến để nghe các ý kiến thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên 5 quan điểm; đề xuất 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; xác định 130 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Tại phiên thảo luận, đại biểu khẳng định, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 khác biệt rất lớn so với giai đoạn trước, bởi nhiệm vụ này đặt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế không thể tách rời nhiệm vụ phòng dịch. Do đó, Chính phủ cần đánh giá rõ nét hơn tác động của đại dịch để có chiến lược dài hạn trong các giai đoạn sau.
Điều quan trọng nhất trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là phải hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ thông qua các dự án luật để tạo hành lang pháp lý vững chắc, từ đó triển khai các mục tiêu tiếp theo.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận điểm cầu Hà Tĩnh.
Đại biểu đồng tình với việc cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Chính phủ, bộ, ngành chỉ cần xây dựng thể chế, thực hiện quản lý nhà nước, nắm các lĩnh vực trọng yếu, tránh làm thay và không nên nắm, xét duyệt những vấn đề quá cụ thể mà địa phương làm rất tốt.
Đại biểu chỉ ra giải pháp tận dụng lợi thế về phát triển liên kết kinh tế vùng để nâng cao sức cạnh tranh; có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết, tránh đầu tư dàn trải. Đồng thời, cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để thay đổi, nâng cao nhận thức của người nông dân trong phát triển sản xuất.
Đại biểu Quốc hội tại hội trường tham gia đóng góp ý kiến (ảnh chụp màn hình).
Các ý kiến cũng tập trung phân tích, “hiến kế” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, một số đại biểu cho rằng, cần ban hành nghị quyết phát triển doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; có chính sách về vốn; đưa ra các cơ chế phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư; hướng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp...
Ưu tiên mở rộng và trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, khơi dậy tiềm năng và tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Quốc hội chỉ rõ, cơ cấu lại các ngành cần đi vào thực chất, có thứ tự ưu tiên cụ thể đối với một số ngành kinh tế chủ lực, giải quyết tốt các vấn đề chiến lược, dài hạn; tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng về thị trường lao động để đưa ra các giải pháp tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động; nhất là các lực lượng dễ bị tổn thương trong tác động kinh tế thị trường để tránh tình trạng di dân ồ ạt.
Ngoài ra, cần thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ những hạn chế, tồn tại của giai đoạn trước để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trong những năm tiếp theo.
Theo chương trình kỳ họp, chiều nay (30/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). |