Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Ảnh minh họa
Ngày 29/1/2021, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 205/TTCP-PC, Công văn số 208/TTCP-PC gửi và đăng tải Dự thảo Luật trên Trang Thông tin điện tử của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ để xin ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tính đến nay, Thanh tra Chính phủ đã nhận được văn bản góp ý của 93 cơ quan (30 bộ, ngành, cơ quan và 63 địa phương). Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí về sự cần thiết và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung cụ thể. Báo Thanh tra giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của các nhóm ý kiến.
1. Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật
Có nhiều ý kiến đề nghị không quy định về Ban Thanh tra nhân dân trong Dự thảo Luật, vì thực chất Ban Thanh tra nhân dân thực hiện vai trò giám sát nội bộ trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước do tổ chức Công đoàn thành lập, không liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định của Dự thảo Luật (ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh: Kiên Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sóc Trăng...).
Một số ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cho phù hợp trong trường hợp quy định về Thanh tra nhân dân tại Chương IX của Dự thảo (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Đại học Quốc gia TP HCM, các tỉnh Kiên Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sóc Trăng).
2. Về thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra (Điều 11)
Có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm người có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra gồm: thủ trưởng cơ quan cấp tổng cục, cục và chủ tịch UBND huyện nơi có thanh tra huyện, giám đốc sở để phù hợp với điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này tại dự thảo (ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ VH-TT&DL, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, các tỉnh: Lai Châu, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Phú Thọ, Ninh Bình, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Lào Cai, Quảng Bình).
Một số ý kiến đề nghị bổ sung đầy đủ các chức danh có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra bao gồm cả “thủ trưởng các cơ quan thanh tra quy định tại Điều 40, 41, 42 Dự thảo Luật (Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
3. Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong hệ thống hành chính Nhà nước (Chương II)
Bộ Nội vụ đề nghị không quy định về tổ chức của Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện tại các Điều 17, 21, 30, 34, 38 của dự thảo vì Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách bộ máy hành chính Nhà nước đã chỉ đạo không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước.
Quy định về thanh tra bộ
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thanh tra bộ chỉ thực hiện thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực không có tổ chức thanh tra chuyên ngành thuộc quyền quản lý Nhà nước của bộ là chưa phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ.
Thực tiễn, thanh tra bộ thường chủ trì thanh tra chuyên ngành kết hợp nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ để đảm bảo sự toàn diện. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật Thanh tra 2010: Thanh tra bộ thực hiện chức năng thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ trưởng; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ.
Việc tránh chồng chéo, trùng lặp đã được chánh thanh tra bộ chủ trì xử lý trước khi trình bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra (ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính).
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo chưa đảm bảo mối quan hệ, phối hợp thống nhất giữa cơ quan thanh tra các cấp, đặc biệt là đối với thanh tra chuyên ngành. Ví dụ: Thanh tra bộ là cơ quan thanh tra cao nhất của ngành, do vậy Thanh tra bộ cần có thẩm quyền chỉ đạo thanh tra tổng cục, thanh tra cục, thanh tra sở và thanh tra tỉnh (đối với những tỉnh không có thanh tra sở) trong hoạt động thanh tra chuyên ngành. Đề nghị bổ sung thẩm quyền này cho Thanh tra bộ.
Quy định về thanh tra cục, tổng cục
Một số ý kiến đề nghị bổ sung lĩnh vực được thành lập thanh tra tổng cục, cục tại Khoản 3 Điều 23 dự thảo như: Bổ sung lĩnh vực “đường sắt” và bỏ lĩnh vực “quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông” (Bộ Giao thông Vận tải); bổ sung lĩnh vực y tế gồm: Y tế dự phòng; an toàn thực phẩm; khám chữa bệnh; dược mỹ phẩm, môi trường y tế, dân số (Bộ Y tế); bổ sung và chỉnh sửa trong lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ); bổ sung lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu); Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sửa lại tên các lĩnh vực như sau: Môi trường; đất đai; tài nguyên khoáng sản, địa chất; tài nguyên nước; đồng thời bổ sung thêm 3 lĩnh vực: Khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, vì các lĩnh vực này đã có luật chuyên ngành trong đó có quy định về thanh tra chuyên ngành: Luật Khí tượng thủy văn (khoản 15 Điều 51), Luật Đo đạc bản đồ (Khoản 1 Điều 59), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (điểm k khoản 2 Điều 73).
Có ý kiến đề nghị không quy định chi tiết trong từng lĩnh vực thanh tra của tổng cục, cục mà chỉ quy định nguyên tắc ở các lĩnh vực như như: Tài nguyên và môi trường; tài chính; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; công thương; thông tin và truyền thông; VH-TT&DL; nội vụ…
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không nên quy định cứng như tại Khoản 3 Điều 23 Dự thảo mà nên quy định việc giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho các tổng cục, cục thuộc bộ sẽ do bộ trưởng thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ quy định tại Nghị định để phù hợp với cơ cấu tổ chức của bộ (ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương) hoặc quy định tiêu chí để thành lập cơ quan thanh tra ở tổng cục, cục để áp dụng thống nhất (Bộ Công Thương).
Cũng có ý kiến đề nghị không quy định nhiệm vụ thanh tra hành chính tại tổng cục có số lượng công chức, viên chức trên 5.000 người trở lên, vì đây là nhiệm vụ của thanh tra bộ; hoặc chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính khi được bộ trưởng giao (ý kiến của Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ) và cũng phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 23 “thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành…” (tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang).
Bộ Y tế đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến huyện, xã tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã để phù hợp với việc thực hiện thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thời gian qua.
Cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì, ngày 3/11/2021. Ảnh: LP |
4. Tổ chức, hoạt động thanh tra trong cơ quan khác của Nhà nước (Chương III)
Về tổ chức và hoạt động thanh tra của BHXH Việt Nam
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, quy định tại Khoản 1 Điều 41 Dự thảo Luật mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật BHXH (Luật quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tại Khoản 6 Điều 10, Khoản 2 Điều 11, Khoản 4 Điều 12 và quy định thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tại Điều 13) và Luật Bảo hiểm y tế (Luật quy định trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương tại Điều 6, 7, 8); xung đột với chức năng thanh tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành, địa phương, đặc biệt khi nội hàm của quy định “trong các lĩnh vực quản lý” chưa được xác định rõ trong Dự thảo Luật. Cơ quan BHXH không phải là cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH mà chỉ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH. Việc Luật BHXH năm 2014 giao cho cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế là giải pháp có tính tình thế, khắc phục những khó khăn, hạn chế về nguồn lực trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, nhất là khó khăn, hạn chế về số lượng thanh tra viên của thanh tra các bộ, ngành liên quan. Dự thảo Luật quy định giao BHXH Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam là quá rộng.
Do vậy, để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các nguyên tắc và quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật BHXH năm 2014, đề nghị sửa khoản 1 Điều 41 của Dự thảo Luật như sau: “BHXH Việt Nam thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật BHXH”.
5. Về thanh tra viên (Chương IV)
Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về xét chuyển ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp đối với công chức giữ ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp làm trong cơ quan thanh tra Nhà nước trong một thời gian nhất định (đề xuất là 2 năm) và đã trải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra; đề nghị rà soát các tiêu chuẩn để phù hợp với quy định về tiêu chuẩn của công chức.
Trong khi đó, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có ý kiến đề nghị bổ sung 1 điều quy định về "cộng tác viên thanh tra, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, trách nhiệm của cộng tác viên, trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp cộng tác viên thanh tra, quyền hạn trưng tập cộng tác viên thanh tra" để bảo đảm có đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra: Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa các Điều 45, 46, 47 để phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức (Bộ VH-TT&DL, Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ); Bộ Nội vụ có ý kiến đề nghị bỏ các Điều 45, 46, 47 Dự thảo Luật để phù hợp với quy định pháp luật về công chức vì theo quy định hiện nay, các bộ ngành, địa phương (gồm Thanh tra Chính phủ) có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức trong đó có công chức thanh tra.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 45): Có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 45 Dự thảo hoặc quy định “đã đỗ kỳ sát hạch hoặc xét đạt vào ngạch thanh tra viên do bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức” mà không thực hiện việc “thi vào ngạch” (ý kiến của các tỉnh Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Bình Định, Cao Bằng, Tiền Giang, Thái Bình, Lai Châu, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính (Điều 46): Nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa Khoản 2 Điều 46 thành “có thâm niên tối thiểu ở ngạch thanh tra viên và tương đương là 9 năm trở lên” để phù hợp với pháp luật về cán bộ, công chức (ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh Kiên Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Cà Mau, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bến Tre).
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính (Điều 47): Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định thời gian giữ ngạch thanh tra viên chính như hiện nay là 6 năm để phù hợp pháp luật về cán bộ công chức (ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ, các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Kạn, Cần Thơ, Hải Dương, Phú Thọ, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bến Tre, Kiên Giang, Cao Bằng); một số ý kiến đề nghị bỏ Khoản 3 Điều 47 để phù hợp với thực tế, vì có người được bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ thấp hơn và việc giữ ngạch thanh tra viên cao cấp thể hiện trình độ, năng lực, chuyên môn của cán bộ thanh tra (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, tỉnh Kiên Giang, Thanh Hóa, Cao Bằng).
6. Về giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra (Điều 102)
Có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại quy định tại Khoản 1 Điều 102 Dự thảo. Việc quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của trưởng đoàn thanh tra là chưa chặt chẽ, bởi vì có một số trường hợp trưởng đoàn thanh tra không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (ví dụ như trưởng phòng nghiệp vụ). Mặt khác, quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 102 Dự thảo còn dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền (cùng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của thành viên đoàn thanh tra). Do đó, đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại (ý kiến của TP Hà Nội, tỉnh Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Tiền Giang, Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Khoản 6 Điều 102 (tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang); có ý kiến đề nghị xem lại quy định không được khởi kiện các kết luận thanh tra hành chính tại khoản 6 Điều 102 vì nếu xác định kết luận thanh tra là quyết định hành chính thì khi kết luận thanh tra xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 115 Luật Tố tụng Hành chính (ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia TP HCM).
7. Về thanh tra lại
Có nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thanh tra lại như căn cứ ra quyết định thanh tra lại, phạm vi, đối tượng, nội dung, hậu quả pháp lý, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra lại, trình tự, thủ tục thanh tra lại (ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành: Kiên Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Thọ...).