Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất việc Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất việc Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Chiều 30/10, đại biểu Quốc hội tại hội trường và các điểm cầu trực tuyến đã tham gia đóng góp các ý kiến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Tham gia đóng góp ý kiến, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Theo đó, hiện nay, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 đã hết thời hiệu thực hiện. Vì vậy, các địa phương đang tập trung cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025).
Từ đó có thể thấy, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021 - 2025 là cấp thiết; đảm bảo việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để các tỉnh, thành phố làm căn cứ thực hiện.
Đa số ý kiến đánh giá, quá trình xây dựng quy hoạch, cơ quan chủ trì bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 67/NQ-CP (phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được chuẩn bị bài bản, công phu; áp dụng nhiều phương pháp mới; cơ bản bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn.
Về cơ bản, dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đáp ứng 2 mục tiêu lớn là xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn (nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp…), từ đó tạo ra được quỹ đất để phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; đồng thời, bám sát chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về các định hướng chiến lược lớn trong lĩnh vực đất đai.
Các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tham dự thảo luận trực tuyến.
Xác định tầm quan trọng của việc lập quy hoạch, Hà Tĩnh là một trong số ít các tỉnh đã lập quy hoạch KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, được HĐND tỉnh thông qua và trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định. Hiện, đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến sẽ hoàn thành phê duyệt trong năm 2021. |
Đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; đảm bảo quy định của Luật Đất đai phải đồng bộ với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản…
Đại biểu phân tích: pháp luật về đất đai cần có tính lâu dài trong khi các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Luật lại thường xuyên thay đổi, không có tính ổn định, kế thừa. Do vậy, đề xuất Quốc hội chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tham mưu hoàn thiện và đồng bộ hoá các quy định pháp luật.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Phiên thảo luận trực tuyến đã ghi nhận 27 ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: quochoi.vn
Kết thúc phần thảo luận vào chiều 30/10, thay mặt đoàn Chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trong đợt 1, mặc dù họp trực tuyến nhưng kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng các nội dung, chương trình đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn
Các phiên thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến đã diễn ra sôi nổi; các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có ý nghĩa quan trọng đối với lộ trình phát triển của đất nước. Kỳ họp cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước và được cử tri đánh giá cao.
Như vậy, sau 11 ngày làm việc, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đợt 1 (họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 30/10 để nghe các tờ trình, báo cáo, thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến). Đợt 2, các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 8/11 đến 13/11 để thảo luận tại hội trường, tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, thông qua một số Luật và Nghị quyết; đồng thời tiến hành phiên bế mạc. |