Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN), góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN), góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra.
Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh cho biết, qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra đã xây dựng được hệ thống tri thức khá lớn về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Ảnh: PA
Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN
Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh cho biết, trong những năm vừa qua, TTCP không chỉ quan tâm đầu tư vào hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN, mà còn quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN.
Việc quan tâm, đầu tư trong nghiên cứu khoa học đã mang lại hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, đồng thời ứng dụng hiệu quả những kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được vào trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN.
Qua đó, đã đóng góp thiết thực vào sự phát triến của toàn ngành Thanh tra trên các phương diện: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý Nhà nước, quản trị nội bộ, xây dựng lực lượng và công tác nghiệp vụ thanh tra; đồng thời, hỗ trợ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành; cung cấp nguồn thông tin, tư liệu ngày càng phong phú, chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, thanh tra viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên và người dân.
Qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra đã xây dựng được hệ thống tri thức khá lớn về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN, bao gồm cả những tri thức mang tính kinh nghiệm và tri thức mang tính khoa học xung quanh các lĩnh vực công tác của ngành cũng như những lĩnh vực khác liên quan.
Bên cạnh sự phát triển của ngành Thanh tra, Viện Khoa học Thanh tra (nay đổi tên thành Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra) cũng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN và nhiều lĩnh vực khác; đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Thanh tra theo hướng chuyên nghiệp; xác định sứ mệnh của công tác nghiên cứu khoa học của ngành Thanh tra trong bối cảnh mới là xây dựng nền tảng lý luận vững chắc nhằm thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Thanh tra, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần vào sự phát triển chung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ năm 1993 đến nay, TTCP đã triển khai nghiên cứu một số đề tài khoa học cấp Nhà nước và hàng ngàn đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, chuyên đề khoa học độc lập; đồng thời, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trên các mặt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN và nhiều nội dung khác như tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, quản lý Nhà nước.
Các sản phẩm khoa học đã đóng góp tích cực trong các lĩnh vực: Cơ sở lý luận, khoa học phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học; phục vụ trực tiếp về những nội dung sửa đổi pháp luật thanh tra, tiếp công dân, KNTC và PCTN; hoàn thiện các văn bản quy phạm về chính sách, pháp luật của ngành Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020; Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Luật KN, Luật TC, Luật Tiếp công dân, Luật PCTN. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được mở rộng liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài ngành cùng tham gia nghiên cứu khoa học.
Tổ chức đào tạo, tọa đàm khoa học, hội thảo khoa học, khảo sát và đề xuất được nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Phối hợp cùng các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức có liên quan cùng tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học như: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Hành chính Quốc gia; Tổ chức Hướng tới minh bạch; Viện Konrad - Adenauer; Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam; Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã... và một số bộ, ngành, địa phương Ninh Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu...
Có thể nói, các kết quả nghiên cứu khoa học đã trở thành nguồn tài liệu quan trọng, có giá trị tham khảo cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra, giảng viên, học viên của Trường Cán bộ Thanh tra, cán bộ các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh nhấn mạnh.
Nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào nội dung các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Những kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng nhất được biên tập, phát hành trên toàn quốc, góp phần nâng cao kiến thức của cán bộ, công chức, người dân. Các nội dung nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản thành sách hay chuyển hóa thành các bài viết chia sẻ trên trang tin điện tử của Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, các ấn phẩm của Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra... tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nghiên cứu, tham khảo.
Cụ thể hơn, trong những năm gần đây, công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của TTCP đã có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của TTCP. Việc xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học nhìn chung đã bám sát chương trình nghiên cứu khoa học của TTCP, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực, những bất cập, vướng mắc trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN đang đặt ra và cần nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện nhiều mặt công tác của ngành Thanh tra.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phê duyệt danh mục đề tài hàng năm được thực hiện ngay từ đầu quý II của năm trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học nhằm tạo sự chủ động cho ban chủ nhiệm đề tài trong việc tiếp thu ý kiến của hội đồng đánh giá, chỉnh sửa thuyết minh, đảm bảo xây dựng đề cương nghiên cứu có chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Công tác xét duyệt thuyết minh nhiệm vụ khoa học hàng năm được thực hiện khá nghiêm túc, các ý kiến góp ý của hội đồng được tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học tiếp thu, hoàn thiện. Việc phân bổ kinh phí các nhiệm vụ khoa học cũng đã được thực hiện một cách kịp thời và đúng quy định pháp luật.
Đầu tư hơn nữa về nghiên cứu lý luận
Theo Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu khoa học vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; cần nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tài còn hạn chế về cả lý luận và ứng dụng; việc phối hợp trong nghiên cứu khoa học; ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn hạn chế; quy chế quản lý khoa học còn nhiều bất cập; công tác tuyển chọn đầu vào các đề tài đôi lúc còn mang tính hình thức nên dẫn đến sản phẩm đầu ra khó ứng dụng; lộ trình thực hiện nghiên cứu khoa học còn chưa hợp lý; hội đồng đánh giá đôi khi còn mang tính hình thức, cả nể; nhiều đề tài nghiên cứu chưa bám sát vào mục tiêu nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; việc gắn kết giữa nghiên cứu và triển khai ứng dụng còn hạn chế; chính sách, biện pháp khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đúng mức
Phó Tổng TTCP Trần Văn Minh cho rằng, công cuộc đổi mới đang đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, phát triển sự nghiệp nghiên cứu, góp phần tạo lập cơ sở khoa học tin cậy làm nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách, thể chế của ngành để có thể vươn tới những giá trị cao hơn.
Mới đây, TTCP ban hành Quyết định số 592/QĐ-TTCP về định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, ngành Thanh tra phải tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp năm 2013, Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030. Trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra Nhà nước. Trước tiên cần hoàn thiện cơ chế, mô hình, trình tự, thủ tục tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Thanh tra; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành Thanh tra; cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước.
Với những đặc trưng đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học ngành Thanh tra phải có kiến thức về lĩnh vực hoạt động của ngành và những lĩnh vực khác có liên quan, có trình độ cao về phương pháp luận khoa học và khả năng sử dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội.
Đứng trước những thách thức, công cuộc đổi mới đang đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tạo lập cơ sở khoa học tin cậy làm nền tảng để xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách, thể chế của ngành trong thời gian tới. Do đó, người làm công tác nghiên cứu khoa học càng phải nỗ lực hơn nữa, nắm bắt xu thế, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để áp dụng lý luận vào thực tiễn một cách có hiệu quả.