Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, bền vững để phát triển văn hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, bền vững để phát triển văn hóa.
Chiều 24/11, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục diễn ra với nội dung thảo luận về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. |
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì điểm cầu tỉnh.
Điểm cầu Hà Tĩnh do các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến cấp xã với 265 điểm cầu trong toàn tỉnh, 11.864 đại biểu tham dự. |
Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày một số nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 - Ảnh: Zing
Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Mục tiêu của chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự hội nghị.
Chiến lược đề ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao.
Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO.
Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.
Hằng năm có 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố. Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP…
Hội nghị trực tuyến đến 265 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu trên, chiến lược đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyền truyền về phát triển văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, chiến lược còn đề cập đến nội dung tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa…
Hội nghị cũng nghe các ý kiến thảo luận của đại biểu nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát huy vai trò của văn hóa, văn nghệ trong “soi đường cho quốc dân đi”; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam...
Đại biểu cũng chia sẻ ý kiến để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn thời gian tới, tinh thần hội nghị sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Từ đó thúc đẩy hành động chấn hưng văn hóa, trước hết là thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QĐND
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành bằng những hành động cụ thể hơn, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa; tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, bền vững nhằm phát triển văn hóa. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Theo đó, chú trọng đổi mới sáng tạo, khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: QĐND
Tiếp tục quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập.
Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Đề cao giá trị truyền thống của dân tộc, của con người Việt Nam; bồi dưỡng tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, đưa nền văn hóa Việt Nam bừng sáng và hòa vào nền văn minh nhân loại.