Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã đạt được những kết quả tích cực, hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, giảm áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước và bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN và chức năng, nhiệm vụ của TTCP theo quy định của pháp luật.
Ngày 10/3/2015, KTNN và TTCP đã ký Quy chế phối hợp công tác số 01/QCPH: KTNN-TTCP với mục đích tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan trong lĩnh vực kiểm toán, thanh tra trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra
Hàng năm, để tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và nội dung thanh tra, kiểm toán nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán,trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN gửi lấy ý kiến tham gia của của TTCP (theo nội dung quy định tại Điều 4 Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan) và một số Bộ, ngành.
Sau khi nhận được dự thảo kế hoạch kiểm toán của KTNN, Tổng Thanh tra Chính phủ đều chỉ đạo các cục, vụ tránh chồng chéo khi xây dựng kế hoạch thanh tra và tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến với KTNN.
Đặc biệt, trong 02 năm gần đây ngoài việc xin ý kiến bằng văn bản, KTNN và TTCP đều tổ chức họp để phối hợp rà soát chi tiết từng cuộc thanh tra, kiểm toán để loại bỏ, khắc phục sự chồng chéo giữa kế hoạch kiểm toán của KTNN với kế hoạch thanh tra của TTCP. Thanh tra một số Bộ, ngành cũng đã rà soát, trao đổi, tham gia góp ý kế hoạch kiểm toán của KTNN để hạn chế sự chồng chéo trong kế hoạch kiểm toán, thanh tra, như Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Ngoài ra, qua công tác phối hợp, trao đổi, KTNN và TTCP đã thống nhất các quan điểm chỉ đạo nhằm giảm trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra, nhất là với thanh tra bộ, ngành và thanh tra địa phương. Trên cơ sở đó, hai cơ quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để các đơn vị trong nội bộ triển khai thực hiện, như: Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chỉ thị số 1034/CT-KTNN ngày 03/7/2017 về chấn chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra của TTCP, của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TTCP ban hành Thông báo số 1704/TC-TTCP ngày 05/10/2018 về ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với KTNN để các đơn vị trực thuộc thực hiện nhằm chống trùng lắp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán.
Đây là những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai cơ quan KTNN và TTCP trong nỗ lực nhằm phối hợp để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán theo đúng tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phù hợp với chủ trương đổi mới, cải cách hành chính và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Qua 3 năm phối hợp, cơ bản đã giải quyết được tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (ảnh: Minh Nguyệt)
Cơ bản giải quyết được chồng chéo, trùng lặp
Do làm tốt công tác phối hợp giữa KTNN và TTCP trong lập kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra hàng năm nên việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán đã cơ bản được giải quyết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 22/02/2017 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi phát sinh có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN và TTCP đã phối hợp chặt chẽ nhằm trao đổi, thống nhất các phương án để xử lý dứt điểm từng trường hợp chồng chéo, trùng lặp phát sinh trong hoạt động của hai cơ quan. Tiêu biểu, như: Xử lý trùng lặp giữa kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm toán tại Thành phố Hà Nội (giữa KTNN khu vực I với Cục I, TTCP), tại thành phố Hải Phòng (giữa KTNN khu vực VI và Cục I, TTCP ); tại Thành phố Cần Thơ (giữa KTNN khu vực V và Cục III, TTCP); tại tỉnh Khánh Hòa (giữa KTNN khu vực VIII và Cục II, TTCP); tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giữa KTNN khu vực XIII và Cục III, TTCP); Xử lý chồng chéo tại một số Dự án sử dụng đất có vị trí đắc địa tại thành phố Hồ Chí Minh và các dự án ĐTXD thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 thành phố Hồ Chí Minh…
Tích cực phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin
Từ khi có Quy chế phối hợp, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, KTNN và TTCP đã quan tâm nghiên cứu và từng bước thực hiện việc sử dụng báo cáo kiểm toán và kết luận thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đối tượng, nội dung thanh tra và kiểm toán. Qua đó, đã hạn chế được sự chồng chéo và giảm bớt được thời gian, nhân lực đáng kể của hai cơ quan trên quan điểm “không thanh tra, kiểm toán về một nội dung tại một đối tượng”.
Đặc biệt, thời gian qua, hai cơ quan đã tích cực phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán, cử công chức hai bên trao đổi trực tiếp hoặc tham gia bằng ý kiến nhằm nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán. Cụ thể, KTNN đã phối hợp với TTCP trong việc cung cấp hồ sơ, số liệu kết quả kiểm toán để phục vụ Chính phủ báo cáo Quốc hội và phối hợp cử công chức tham gia về công tác phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2015 đến nay, KTNN đã cung cấp cho TTCP tổng hợp kết quả kiểm toán của KTNN năm 2013, 2014 về việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp trực thuộc các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng theo đề nghị của TTCP. Hàng năm, KTNN đều phối hợp với TTCP trong việc xây dựng các báo cáo cung cấp thông tin để Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng…
Ngoài ra, KTNN và TTCP quan tâm phối hợp để bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra và tổ chức thi nâng ngạch thanh tra viên chính cho công chức thanh tra thuộc KTNN; tăng cường phối hợp nghiên cứu khoa học, xây dựng thể chế về thanh tra, kiểm toán./.