Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh bằng chính năng lực. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh bằng chính năng lực. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Chỉ thanh tra khi có dấu hiệu rõ ràng vi phạm
Chương VI, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định việc áp dụng Luật đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của Luật đối với một số loại hình tổ chức xã hội, doanh nghiệp, bao gồm: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Với việc quy định như vậy thì cần thiết phải quy định thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Về thẩm quyền thanh tra, Điều 81, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các loại hình tổ chức xã hội, doanh nghiệp nêu trên. Bên cạnh đó, nhằm đảm báo tính chặt chẽ, không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền chỉ tiến hành thanh tra khi các doanh nghiệp, tổ chức đó có dấu hiệu rõ ràng vi phạm quy định về công khai, minh bạch, về kiểm soát xung đột lợi ích, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được thực hiện theo pháp luật về thanh tra.
Ngoài ra, để tránh việc một tổ chức xã hội, doanh nghiệp bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, khoản 3, Điều 81 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã giao Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và khoản 4 Điều 81 cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đối với việc tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Đồng thời, cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra, nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nội dung thanh tra, điều 57 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định bao gồm 04 nội dung sau đây: (i) Việc thực hiện công khai, minh bạch theo quy định; (ii) Việc kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định; (iii) Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định; (iv) Các nội dung khác về thực hiện quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
“Không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm
Trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, công tác thanh tra được xem là phương thức phát hiện và ngăn chặn nhiều hành vi tham nhũng trên phạm vi rộng, ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực. Đồng thời, thông qua thanh tra và xử lý vi phạm, giúp khắc phục hậu quả do những hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước gây ra. Việc xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm cũng có tác dụng răn đe tội phạm và xây dựng cơ chế phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.
Vụ án liên quan đến các sai phạm của Việt Á càng khẳng định việc giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp là cần thiết. Mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước đã được đề cập trong Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Kết luận 10) và đã được cụ thể hóa trong quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, thực hiện chủ trương, quy định nêu trên, tính đến hết năm 2021, các cơ quan chức năng trong cả nước đã phát hiện, xử lý 44 vụ án tham nhũng xảy ra trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Riêng năm 2021, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tăng cường; đã kiểm tra đối với 13 công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội; phát hiện 13 vụ, 19 đối tượng có hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; 05 đối tượng đã bị xử lý hình sự. Gần đây một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn như vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh hay như “đại án” Việt Á tiếp tục được phát hiện, xử lý. Những kết quả nói trên đã cho thấy việc tăng cường công tác thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong cả khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, nhằm đảm bảo “không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm, đồng thời giúp tạo ra môi trường lành mạnh trong phát triển kinh tế.
Nói như nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng, tham nhũng không còn là những vụ lẻ tẻ mà là mối quan hệ chằng chịt, như "vòi bạch tuộc" giữa doanh nghiệp và quan chức. Nhiều doanh nghiệp tư nhân là "sân sau" của một số quan chức, nên luôn được ưu tiên trúng thầu các dự án, như vụ án Việt Á là một biểu hiện rõ nhất, liên quan đến, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC các tỉnh và nhiều đơn vị, địa phương. Do đó, càng khẳng định, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp là cần thiết.
Tuy nhiên, hiên nay, nhiều qui định của Luật Phòng, chống tham nhũng chưa thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành về chứng khoán, tín dụng, doanh nghiệp… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng. Ý thức của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước trong chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn chưa cao. Ngay cả trong cơ quan thanh tra cũng đang gặp lúng túng trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trường Cán bộ Thanh tra, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thì việc hoàn thiện pháp luật về thanh tra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật về thanh tra nói chung và pháp luật chuyên ngành khác. Trong đó, cần tính đến các yếu tố đặc thù về thanh tra và xử phạt vi phạm trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để bảo đảm tạo được sự đồng bộ trong kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật.
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cần tránh ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, tổ chức. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nói chung, được thể hiện trong các nguyên tắc của Luật Thanh tra và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, các cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, giám sát của tổ chức Đảng, của từng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần đánh giá lại vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức công đoàn, đoàn thể trong các doanh nghiệp nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một lần nữa nhấn mạnh từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, tăng cường quản lý, chống thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, vốn, tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp; đầu tư công, dịch vụ công. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém tại các dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Do đó, để công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đạt hiệu quả, việc đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác thanh tra và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là điều cần thiết./.