Việc cơ quan có thẩm quyền không trả lời dân hoặc kéo dài sự việc… không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn làm giảm niềm tin của dân vào cơ quan công quyền.
Người dân đang gửi đơn khiếu nại tại tòa soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Hải Nam |
Theo luật sư Nguyễn Thị Tuyết Oanh, Công ty luật TNHH Lộc Điền (TP.HCM), việc cơ quan chức năng kéo dài, không trả lời đơn người dân khiếu nại là khá phổ biến. “Các cơ quan chức năng thường viện nhiều lý do như đang xem xét, hết thời hiệu… để kéo dài thời gian hoặc không chịu trả lời.
Theo quy định, khi nhận được đơn khiếu nại hoặc tố cáo của người dân, cơ quan chức năng phải trả lời bằng quyết định giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế, thay vì trả lời bằng quyết định giải quyết thì không ít cơ quan lại ra thông báo, hoặc công văn để trả lời, thậm chí chỉ trả lời bằng miệng. Như vậy, người dân không thể có cơ sở để khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện ra tòa. Người dân không hiểu biết nhiều về pháp luật đành phải chấp nhận.
Có nhiều trường hợp, cơ quan chức năng vẫn trả lời nhưng lại chờ gần hết thời hiệu mới gửi văn bản trả lời. Khi người dân nhận được văn bản trả lời thì đã hết thời hiệu khiếu nại. Việc này hết sức thiệt thòi cho người dân vì họ sẽ bị mất quyền khiếu nại tiếp theo. Mặt khác, cách ứng xử như vậy của cơ quan chức năng khiến lòng tin của dân với chính quyền ngày càng giảm”, luật sư Oanh phân tích.
Trao đổi với PV Thanh Niên về tình trạng cơ quan chức năng “né” trả lời người dân, ông Hoàng Kim Chiến, Phó cục trưởng Cục Công tác phía nam - Bộ Tư pháp, nói: “Luật Khiếu nại và luật Tố cáo đã quy định rất rõ về lĩnh vực khiếu nại và tố cáo, trong đó có thời hạn để cơ quan có thẩm quyền phải trả lời. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp cơ quan thẩm quyền không chịu trả lời hoặc không trả lời đúng thời hạn quy định. Đó là vấn đề thuộc nhận thức về trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, hoặc cũng có thể do đơn thư khiếu nại quá nhiều khiến cán bộ có trách nhiệm chậm trễ, lơ là. Luật đã quy định rất rõ, nếu cơ quan có trách nhiệm không trả lời trong thời hạn luật định thì người dân có quyền tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là do pháp luật không rõ mà là do vấn đề con người”.
Theo luật sư Đào Duy Tân, Đoàn luật sư TP.HCM, dù luật quy định nhưng không mấy người muốn khởi kiện để rồi phải “đáo tụng đình” rất mệt mỏi và có khi sự việc lại còn kéo dài hơn nữa. Thậm chí ngay cả khi có bản án của tòa án thì cũng chưa chắc thi hành được vì đối tượng thi hành là cơ quan nhà nước. “Tình trạng này cũng như “con kiến đi kiện củ khoai”, rồi cũng chẳng giải quyết được gì nên người dân cũng rất ngại. Nên chăng, phải bổ sung thêm quy định có tính cưỡng chế đối với các cơ quan chức năng, buộc họ phải trả lời khi có đơn khiếu nại, tố cáo của người dân. Xử phạt hoặc kiểm điểm đối với cán bộ không chịu trả lời hoặc trả lời chậm trễ. Như vậy mới hy vọng chấm dứt việc cán bộ nhà nước im lặng trước khiếu nại, tố cáo của công dân”, luật sư Tân đề xuất.
Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thì cơ quan có trách nhiệm phải thụ lý giải quyết. Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Hết thời hạn này mà không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của luật Tố tụng hành chính.
Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thì cơ quan có trách nhiệm phải thụ lý giải quyết. Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Hết thời hạn này mà không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của luật Tố tụng hành chính. |