Công tác tiếp dân là cầu nối trực tiếp, hữu hiệu nhất để lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Hiện nay, tại các địa phương, các Ban Tiếp công dân đã được thành lập theo quy định và đi vào hoạt động. Nhiều nơi, hiệu quả công tác tiếp dân được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả đó là nhờ chính quyền các cấp luôn bám sát công việc, nắm bắt được vấn đề một cách sâu sát, thường xuyên tiếp cận và xử lý các đơn thư trực tiếp, không để tồn đọng nên đã góp phần giải quyết vướng mắc, nguyện vọng của người dân, hạn chế điểm nóng và tình trạng khiếu kiện vượt cấp đến cơ quan trung ương.
Tuy nhiên, trong hoạt động của Ban Tiếp công dân các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp công dân, cụ thể:
Một là, về cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân, theo Điều 9 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân có nêu:
“2. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh.
Ban Tiếp công dân cấp tỉnh có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do một Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân phụ trách, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh tương đương cấp Trưởng phòng. Trưởng ban, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.
3. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp huyện.
Ban Tiếp công dân cấp huyện có Trưởng ban và công chức làm công tác tiếp công dân. Trưởng Ban Tiếp công dân cấp huyện do một Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ trách. Trưởng Ban Tiếp công dân cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân”.
Ảnh minh họa
Do nhiều lý do về áp lực công việc mà nhiều địa phương bố trí một Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ trách Ban Tiếp công dân, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động thiên về công tác Phó Chánh Văn phòng. Trưởng Ban Tiếp công dân thuộc biên chế Văn phòng UBND, cán bộ của Ban hầu hết kiêm nhiệm nên việc bố trí, sắp xếp công việc và dành thời gian tiếp công dân gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu, tổ chức của Ban Tiếp công dân cấp huyện đa số chỉ có 01 Trưởng ban và 01 công chức, có huyện thậm chí chỉ có 01 Trưởng ban. Chính vì vậy, không thể đảm nhận và làm đầy đủ trách nhiệm của một Ban Tiếp công dân mà Luật quy định.
Điều này cũng diễn ra ở cấp xã khi bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân đã làm thay đổi thường xuyên cán bộ tiếp dân, dẫn đến không có sự theo dõi liên tục, kế thừa để giải thích hướng dẫn công dân khi đến UBND xã. Thực tiễn cho thấy, việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên ở cấp xã gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là phân công công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính, văn phòng kiêm nhiệm, vì ở cấp xã, các chức danh này chỉ được một định biên, chưa có công chức chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp dân thường xuyên nên sẽ gặp khó khăn trong bố trí cán bộ tiếp dân, tham mưu xử lý đơn thư. Có trường hợp hướng dẫn trước và sau khác nhau do công chức khác tiếp, làm hạn chế kết quả công tác tiếp dân tại địa phương.
Hai là, đội ngũ làm công tác tiếp dân còn thiếu và hạn chế về trình độ, năng lực. Trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả tiếp công dân, đó là cán bộ tiếp công dân phải có trình độ, năng lực trong việc tiếp nhận, phân loại các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hướng xử lý, trả lời với dân phải cụ thể, rõ ràng, tránh đùn đẩy trách nhiệm, qua loa, đại khái. Quá trình tiếp công dân, cán bộ tiếp dân cần giải thích rõ trên cơ sở các quy định của pháp luật một cách đầy đủ, chính xác liên quan đến nội dung mà người dân trình bày.
Chính vì vậy mà thời gian qua, Ban Tiếp công dân các địa phương chưa thực hiện được nhiệm vụ phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận tại Trụ sở tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân quy định. Hầu hết, Ban Tiếp công dân sau khi tiếp dân và nhận đơn thì giao về cơ quan thanh tra các cấp để tham mưu xử lý đơn làm kéo dài thời gian, không đảm bảo thời gian quy định theo Luật và tạo thêm áp lực công việc cho cơ quan thanh tra các cấp. Một số trường hợp, Ban Tiếp công dân các địa phương thực hiện xử lý đơn và ban hành quyết định thụ lý sai quy định pháp luật, dẫn đến phải thu hồi và ban hành văn bản lại, gây chậm trễ và mất lòng tin trong nhân dân.
Cũng do hạn chế về hiểu biết pháp luật nên một số công chức thuộc Ban Tiếp công dân chưa làm tốt nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn, thuyết phục để người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật. Hạn chế này cũng làm ảnh hưởng đến công tác dân vận chính quyền - một trong những yêu cầu cần thiết trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm từ cơ sở và tuyên truyền pháp luật cho công dân.
Ba là, việc phối hợp trong tiếp công dân còn thiếu thường xuyên và chặt chẽ. Theo quy định của Luật Tiếp công dân, các cơ quan như Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (cấp huyện cũng tương tự). Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện biên chế và do nhu cầu tiếp công dân liên quan đến thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan này không nhiều, nên tại một số địa phương, việc cử đại diện phối hợp cùng Ban Tiếp công dân để tiếp công dân thường xuyên chưa được thực hiện theo quy định.
Bốn là, các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính chưa thống nhất thực hiện chế độ trách nhiệm đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên chưa khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm việc tại cơ quan tiếp công dân.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Tiếp công dân các địa phương, các cơ quan có thẩm quyền cần khắc phục những bất cập, tồn tại nói trên thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tùy theo tình hình của đơn vị mình mà các địa phương bố trí nhân sự, tổ chức lực lượng thanh tra nói chung và lực lượng làm công tác tiếp dân nói riêng một cách hợp lý, để có thể đảm đương trách nhiệm theo quy định của Luật Tiếp công dân, giúp cho lãnh đạo tiếp dân có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, phải có biện pháp trả lời, giải quyết kịp thời các thỉnh cầu, khiếu nại, tố cáo của công dân mà trong các buổi tiếp dân đã tiếp nhận.
Thứ hai, nơi tiếp công dân phải đào tạo và bố trí cán bộ tiếp công dân có trình độ nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức về tâm lý xã hội và am hiểu pháp luật, biết cách ứng xử, giao tiếp với công dân. Đồng thời biết tóm tắt, nhận định sự việc một cách chính xác, xử lý các tình huống linh hoạt.
Thứ ba, Ban Tiếp công dân địa phương cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra và cơ quan chuyên môn khác trong việc xử lý đơn thư và đề xuất thụ lý. Đảm bảo sự thông suốt, trôi chảy và thống nhất ngay từ đầu đến khi kết thúc quá trình giải quyết vụ việc, tránh tình trạng thực hiện sai phải thu hồi và ban hành lại.
Thứ tư, các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính cần nghiêm túc thực hiện chế độ trách nhiệm đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cán bộ tiếp dân không chuyên trách được hưởng bồi dưỡng theo ngày khi tiếp công dân nhằm khuyến khích, động viên và thu hút cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt về làm việc tại cơ quan tiếp công dân./.
LTT - Theo ThanhtraVietNam.vn