Trong công tác thanh tra, giai đoạn 2006 - 2010, Thanh tra các cấp đã tiến hành 56.919 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó là những cuộc thanh tra có tính chất trọng điểm, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đất nước và sự phát triển của xã hội .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của ngành Thanh tra.
Trong bối cảnh chung của đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật ở một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, bất cập, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra ở nhiều nơi và chưa được đẩy lùi. Bên cạnh đó, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương. Cải cách hành chính còn chậm, tình trạng giá cả tăng vọt, thiên tai, dịch bệnh nặng nề đã có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương và giải quyết tốt, kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội, ngành Thanh tra đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu thực hiện tương đối toàn diện các nhiệm vụ được Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương giao phó.
Một trong những mặt công tác nổi bật của ngành Thanh tra trong giai đoạn này là xây dựng thể chế. Với việc bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác xây dựng thể chế đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác tổ chức cũng như hoạt động của ngành đạt hiệu quả. Năm 2006, ngoài việc xây dựng các dự án luật, nghị định theo kế hoạch và được giao, ngành Thanh tra đã chủ động nghiên cứu xây dựng và ban hành một số quy chế nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thanh tra, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 4 nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra, về lập, quản lý và sử dụng kinh phí nghiệp vụ thanh tra... Đồng thời hoàn chỉnh 5 thông tư liên ngành, liên tịch, 7 đề án. Năm 2008, tiếp tục nghiên cứu xây dựng 3 dự án luật, 12 đề án, 6 nghị định, 1 nghị quyết liên tịch, 3 thông tư, 36 quyết định của Tổng Thanh tra... Năm 2009, Thanh tra Chính phủ tham mưu trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020, giúp Chính phủ trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, năm 2010, ngành Thanh tra đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra sửa đổi, hoàn thiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân, Đề án Tài phán hành chính.
Trong công tác thanh tra, giai đoạn 2006 - 2010, Thanh tra các cấp đã tiến hành 56.919 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó là những cuộc thanh tra có tính chất trọng điểm, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đất nước và sự phát triển của xã hội trong giai đoạn kinh tế quốc tế đang bị suy giảm, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.
Đáng chú ý là lĩnh vực thanh tra tài chính, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp tiến hành thanh tra các ngân hàng thuộc nhóm đầu của ngành ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước... Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở các mức độ khác nhau. Ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 3.352 tỷ đồng và loại khỏi chi phí 4,842 tỷ đồng; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam kiến nghị thu hồi gần 540 triệu đồng và loại khỏi chi phí hơn 300 triệu đồng.
Năm 2008, Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra Tổng cục thuế và 2 đơn vị lớn của ngành Thuế là Cục Thuế Hà Nội và Cục thuế TP. Hồ Chí Minh. Tại các đơn vị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, vấn đề nổi cộm là công tác quản lý thuế, quản lý kinh phí hoạt động đầu tư mua sắm tài sản còn nhiều sai phạm cần khắc phục. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, yêu cầu các đơn vị truy thu đúng, đủ thuế nộp ngân sách nhà nước như Cục Thuế Hà Nội là 859.439,5 triệu đồng; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh truy thu thuế của 64 doanh nghiệp là 1.510.351,82 triệu đồng và truy thu thuế của các doanh nghiệp kinh doanh xe ôtô, xe hai bánh gắn máy là 32.198,14 triệu đồng.
Năm 2009, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngoài phát hiện những khuyết điểm về công tác tổ chức, đơn vị này còn chi phí không đúng chế độ tài chính, số tiền phải thu hồi là gần 6 tỷ và gây lãng phí là hơn 190 triệu đồng. Từ đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu đơn vị này phải thực hiện tốt công tác cán bộ, quản lý tài chính; minh bạch, công khai theo các quy định hiện hành và nghiêm túc kiểm điểm đối với cá nhân và tập thể có thiếu sót, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng nhiều biện pháp để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động phù hợp với thực tế trong nước cũng như trong điều kiện hội nhập quốc tế. Ngoài ra, trong giai đoạn này, Thanh tra Chính phủ còn tiến hành thanh tra Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam; thanh tra việc cổ phần hóa Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, cổ phần hóa Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 25, cổ phần hóa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của ngành Thanh tra.
Trong lĩnh vực thanh tra việc quản lý đầu tư, xây dựng, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá đúng hiệu quả đầu tư xây dựng, phát hiện, khắc phục những sơ hở yếu kém trong công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đảm bảo cho công tác đầu tư xây dựng đúng mục đích, nhanh chóng đưa vào sử dụng để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tránh tổn thất về tài sản, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Riêng Thanh tra Chính phủ, trên lĩnh vực này đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra ở một số dự án, công trình trọng điểm. Nổi bật như cuộc thanh tra tại Công ty Than Việt Nam, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, dự án Hangar A76 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự án mở rộng cảng Cái Lân... Gần đây nhất, tháng 8/2010, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra dự án Khu công nghiệp xử lý rác thải TP. Hồ Chí Minh - Long An. Qua thanh tra đã phát hiện một số sai phạm, thiếu sót như sai phạm trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ký kết hợp đồng tư vấn trái quy định về quy chế đấu thầu, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát hồ sơ đền bù... Tổng sai phạm, thiếu sót phát hiện qua thanh tra là hơn 45.540 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 45.540 triệu đồng, kiến nghị Thủ tướng xem xét chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra trên lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai. Năm 2006, kiến nghị thu hồi 11.346ha, năm 2007: kiến nghị thu hồi 6.419,72ha, năm 2008: kiến nghị thu hồi 12.308ha, năm 2009: kiến nghị thu hồi 70,9ha, 6 tháng đầu năm 2010, kiến nghị thu hồi hơn 186ha.
Kết quả thanh tra kinh tế - xã hội những năm qua đã chỉ ra được những vấn đề bất cập, những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý, những sai phạm về kinh tế, thu hồi cho ngân sách nhà nước giá trị kinh tế lớn, kiến nghị, xử lý kịp thời các sai phạm khuyết điểm, góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể khẳng định, hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội của ngành Thanh tra trong suốt thời gian qua luôn hướng vào những lĩnh vực quản lý nhà nước trọng yếu hoặc những vấn đề mà xã hội quan tâm, qua đó góp phần tích cực cho việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của ngành cũng có những bước phát triển quan trọng. Đây là giai đoạn ngành Thanh tra tập trung triển khai và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 - 2007 và giải pháp thực hiện từ năm 2008. Quán triệt Thông báo Kết luận này, ngành Thanh tra đã khẩn trương triển khai các hoạt động trên các lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê và đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp đã có kết luận của các cơ quan Trung ương. Đồng thời, ngành Thanh tra cũng chủ động tiến hành rà soát số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân, đưa ra những đề xuất trong việc chỉnh sửa, bổ sung những văn bản không còn phù hợp với điều kiện mới. Việc chỉ đạo từ các cấp được thực hiện tập trung, đồng bộ đã phát huy được sức mạnh của nhiều lực lượng, vì vậy đã góp phần xử lý kịp thời, dứt điểm nhiều vụ việc mới phát sinh ở các địa phương.
Cũng trong giai đoạn 2006 - 2010, ngành Thanh tra Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước, Thanh tra Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Hoạt động hợp tác đối ngoại song phương giai đoạn 2006 - 2010 nói chung được tổ chức trên tinh thần chủ động, tích cực, bám sát kế hoạch hợp tác quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng năm 2009, ngành Thanh tra đã tổ chức 2 cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng với các nhà tài trợ, tổ chức 5 hội thảo, hội nghị quốc tế và cử nhiều đoàn đi dự các hội nghị quốc tế, củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, với các cơ quan chống tham nhũng của các nước trong khối ASEAN phù hợp với xu thế hội nhập. Bên cạnh việc thực hiện tốt các thỏa thuận song phương, ngành Thanh tra đã tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về thanh tra và phòng, chống tham nhũng như: Tổ chức Thanh tra Châu Á, Sáng kiến chống tham nhũng Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của ADB/OECD, Diễn đàn hợp tác đa phương ASEAN và đặc biệt là tổ chức thành công các sự kiện do Thanh tra Chính phủ đảm trách trong năm APEC Việt Nam 2006. Hoạt động đối ngoại và thành công đáng ghi nhận của ngành Thanh tra Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thể hiện sự tham gia hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng trong lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng. Tháng 10/2009, ngành Thanh tra Việt Nam bắt đầu giai đoạn thực hiện “Chương trình tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014” (POSCIS), đặc biệt trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức thành công hội thảo quốc tế về thực thi Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
65 năm qua (1945 - 2010), mặc dù còn có những mặt hạn chế cần khắc phục, nhưng có thể khẳng định rằng Thanh tra Việt Nam đã lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Sự trưởng thành và lớn mạnh của ngành Thanh tra hiện nay là kết quả của những nỗ lực, cố gắng, công sức, trí tuệ của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra Việt Nam. Thời gian qua, nhiều tập thể và cán bộ thanh tra đã được nhận những danh hiệu thi đua và các phần thưởng cao quý. Là một đơn vị sự nghiệp của Thanh tra Chính phủ - Tạp chí Thanh tra cũng vinh dự đóng góp một phần công sức vào những thành tích chung đó của ngành. Tạp chí Thanh tra đã đóng vai trò quan trọng, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, trở thành diễn đàn khoa học, nhịp cầu giao lưu, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trong ngành. Năm 2008, kỷ niệm 30 năm thành lập, Tạp chí Thanh tra đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, đây là sự động viên, khích lệ to lớn đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Thanh tra để tiếp tục phấn đấu trên chặng đường tiếp theo.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Thanh tra Việt Nam, ngành Thanh tra vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Sao Vàng do Đảng và Nhà nước trao tặng. Phát huy truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều thành tích, góp phần vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.