(ThanhtraHatinh) - Tổng Thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-TTCP-NHNN ngày 25 tháng 11 năm 2015 hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra có hiệu lực từ ngày 10/01/2016.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ký thông tư liên tịch (Ảnh: TTCP).
Việc thực hiện phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra cần thực hiện theo trình tự sau:
1. Xác định điều kiện được tiến hành phong tỏa tài khoản.
Việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được tiến hành khi hội đủ căn cứ theo Điều 6, TTLT 07, theo đó việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.
2. Xác định chính xác về thông tin tài khoản và số lượng tiền, tài sản của đối tượng thanh tra trong tài khoản.
- Việc xác định thông tin tài khoản của đối tượng thanh tra được thực hiện thông qua chính đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Khoản 1, Điều 4, TTLT 07.
- Trước khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cần làm việc (hoặc có văn bản đề nghị) với tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra mở tài khoản giao dịch để xác định tính chính xác về thông tin tài khoản và số lượng tiền, tài sản của đối tượng thanh tra trong tài khoản.
3. Xác định thẩm quyền quyết định phong tỏa tài khoản.
Thẩm quyền ban hành quyết định phong tỏa tài khoản là Trưởng đoàn thanh tra hành chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, người ra quyết định thanh tra hành chính, người ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo Điều 5, TTLT 07.
4. Thủ tục phong tỏa tài khoản.
- Quyết định phong tỏa tài khoản phải được thực hiện bằng văn bản do người có thẩm quyền ký và đóng dấu của cơ quan ra quyết định thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).
Quyết định phong tỏa tài khoản thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo TTLT 07.
- Quyết định phong tỏa tài khoản phải gửi cho tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản và đối tượng thanh tra. Việc gửi trực tiếp quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra cần phải được lập thành văn bản giao nhận (nếu gửi bằng đường bưu điện, cần gửi bằng thư bảo đảm để có chứng từ lưu trong hồ sơ, tránh trường hợp tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra không nhận được quyết định do thất lạc văn bản hoặc lý do khác).
5. Hủy quyết định phong tỏa tài khoản.
Sau khi đối tượng thanh tra chấp hành đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản. Việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản thực hiện theo Điều 9, TTLT 07.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện Quyết định phong tỏa tài khoản, Quyết định hủy phong tỏa tài khoản thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.