(ThanhtraHatinh) Trong thời gian qua, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyễn biến, đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng phát huy hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thanh tra nói chung.Tuy nhiên, qua theo dõi thực hiện xử lý sau thanh tra cho thấy: việc xử lý kết luận sau thanh tra kinh tế xã hội, thanh tra trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo, nhìn chung còn chậm; xử lý thu hồi sau thanh tra kinh tế xã hội ở một số đơn vị, một số đoàn tỷ lệ đạt được còn thấp; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra vẫn chưa thường xuyên.Tồn tại trên có nguyên nhân chủ quan, khách quan, có thể rút ra một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Một là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý sau thanh tra, nên việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra kinh tế xã hội, quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, thực hiện chưa thật sự nghiêm túc, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản và xử lý cán bộ có vi phạm phát hiện qua thanh tra.
Hai là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế. Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Ba là quy định của pháp luật về Thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra; chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra; chưa xác định rõ một cơ quan chuyên trách có trách nhiệm thực hiện, thi hành kết luận quyết định xử lý sau thanh tra.
Bốn là một số nội dung kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, thiếu tính khả thi; kết luận kiến nghị còn chung chung, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong quá trình triển khai, đôn đốc thực hiện xử lý sau thanh tra .
Năm là những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế (trong đó có đối tượng được thanh tra), đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan khiến đối tượng thanh tra chậm hoặc không có khả năng thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra.
Ảnh minh họa
Để công tác xử lý sau thanh tra trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể pháp như sau:
1. Tăng cường tuyền truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý sau thanh tra, đến mọi tổ chức và cá nhân; đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tham mưu của chủ thể thanh tra, trong việc tổ chức thực hiện xử lý sau thanh tra kinh tế xã hội, thanh tra trách nhiệm chấp hành pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng; quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
2. Về pháp luật thanh tra, cần có quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý việc đối tượng không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra; bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện xử lý sau thanh tra; cần xác định rõ cơ quan chuyên trách có trách nhiệm tham mưu thực hiện, thi hành kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo.
3. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra phải có phương pháp, phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị được thanh tra, để có biện pháp xử lý kịp thời nhất là các khoản thu hồi kinh tế, sau khi lập biên bản yêu cầu đối tượng phải nộp qua tài khoản của chủ thể thanh ta để chờ xử lý theo quy định của pháp luật, không nhất thiết phải chờ kết luận thanh tra rồi mới đôn đốc xử lý thu hồi .
4. Kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan những vi phạm pháp luật; trách nhiệm của đối tượng, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng; kết luận, kiến nghị phải đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi; nếu không có khả năng xử lý thu hồi kinh tế thì không nên kiến nghị ; nội dung kiến nghị phải nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và thời hạn thực hiện; báo cáo thực hiện kết luận, quyết định xử lý, của đối tượng thanh tra.
5. Phát huy vai trò, nòng cốt của các tổ chức thanh tra các cấp, thường xuyên cập nhật, việc thực hiện kết luận,quyết định xử lý thanh tra kinh tế, thanh tra trách nhiệm; quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định xử lý tố cáo; tăng cường biện pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phát hiện vi phạm, đề xuất xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật..
6. Định kỳ sơ, tổng kết, để đánh giá, đúng thực trạng những kết quả đã thực hiện được trong xử lý sau thanh tra; chỉ ra tồn tại, khó khăn, vướng măc, rút ra nguyên nhân, để có giải pháp tháo gở; kịp thời biểu dương, khen thưởng, đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong theo dõi, đôn đôc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đạt kết quả cao; nhắc nhở, phê bình nghiêm túc đối với những tổ chức cá nhân thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện thiếu nghiêm túc các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, từng bước đưa công tác này, ngày càng đi vào nề nếp, thực sự có hiệu quả./.