Ngày 25-10-1917 theo lịch Nga (tức ngày 7-11-1917) giai cấp công nhân và nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động.
V.I. Lênin trong những ngày đầu Cách mạng tháng Mười Nga |
Cho tới nay, trên thế giới chưa có một cuộc cách mạng xã hội nào có thể sánh được, càng không thể vượt qua được cuộc Cách mạng Tháng Mười về giá trị hiện thực và ý nghĩa thời đại của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một bước ngoặt mới trong tiến trình phát triển của lịch sử toàn thế giới: Chủ nghĩa xã hội từ chỗ chỉ là những ước mơ, nguyện vọng từ bao đời nay của quần chúng lao khổ bị áp bức bất công, từ chỗ chỉ là lý luận cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân đã trở thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn bằng một phần sáu trái đất. Cuộc cách mạng này đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng này mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và mở ra một xu thế cho các dân tộc chậm phát triển lựa chọn con đường phát triển tiến tới chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Mười đã phá tan “nhà tù của các dân tộc” do chế độ Sa hoàng lập ra, phá bỏ hệ thống thuộc địa của đế quốc Nga và chấm dứt sự bất bình đẳng giữa các dân tộc. Ngày 15-11-1917, chính quyền Xô viết ra đời tuyên bố quyền bình đẳng của các dân tộc và tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc ở nước Nga. Xét trên phạm vi thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở rộng phạm vi của vấn đề dân tộc và biến đổi nó từ vấn đề riêng của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc, thành vấn đề chung của công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Do đó mà nó đã mở ra khả năng rộng lớn và những con đường cách mạng cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc ở phương Đông và phương Tây. Nhờ có Cách mạng Tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc phương Tây đã có sự gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Ý nghĩa quốc tế to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga là đã làm cho giai cấp công nhân thế giới ý thức được sức mạnh to lớn của mình và tạo ra sự chuyển biến về hành động trong cuộc đấu tranh để lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Cách mạng Tháng Mười không chỉ là giải pháp mở đường phát triển của nước Nga mà nó có ý nghĩa phổ biến, tất yếu đối với sự phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc khác.
Sau khi đập tan bộ máy nhà nước của giai cấp bóc lột, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động, nhà nước Xô-Viết Nga ra đời mở đầu quá trình cải biến cách mạng và sau đó hình thành nên một Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết. Đây là một chế độ hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại và Liên Xô đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vô cùng vĩ đại của một thời kỳ lịch sử nhất định; đó là:
Một là, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, Liên Xô đã đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người lao động. Trên cơ sở chính quyền của nhân dân và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, người dân lao động đã có được những đảm bảo xã hội hiếm có. Vượt qua những khó khăn và thách thức nghiệt ngã, từ một nền sản xuất nhỏ lại phải trải qua cuộc chiến chống nội loạn và can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, Liên Xô đã thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn (1917 đến 1945) từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã vươn lên thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới.
Hai là, những thành tựu về kinh tế, chính trị đã giúp cho nhân dân Liên Xô đánh bại mọi cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, góp phần ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân, là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng trên thế giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ba là, Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện trọng đại, mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại. Với thắng lợi của mình, Cách mạng Tháng Mười đã cung cấp cho phong trào cách mạng thế giới những bài học kinh nghiệm quý giá. Đồng thời, nó đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới.
Cách mạng Tháng Mười, như Lênin nói, là cuộc cách mạng của công nhân, binh sĩ và nông dân đã làm thay đổi về cơ bản tính chất của thời đại, không một cuộc cách mạng nào trong quá khứ lại có ảnh hưởng to lớn như vậy đến vận mệnh của toàn thế giới loài người. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ tìm tòi để xây dựng một xã hội mới mà trong đó mọi tồn tại của xã hội của xã hội tư bản sẽ bị vượt qua.
Từ 1917 đến nay, nhân loại tiến bộ đã nhiều lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười để khẳng định hơn nữa ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng đó. Cách mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể và đã thực hiện sứ mệnh của nó. Những thành quả của Cách mạng Tháng Mười không một thế lực nào có thể phủ nhận. Bài học về Cách mạng Tháng Mười còn nguyên giá trị và đang được phát huy trong điều kiện quốc tế hiện nay.
Sự đột ngột sụp đổ của Liên Xô đã trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới thế kỷ XX, từ đó chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào. Sự thật nghiệt ngã đó đã khiến không ít người ngỡ ngàng, dao động, thậm chí mất phương hướng. Nhiều học giả, chính khách phương Tây vô cùng hoan hỉ cho rằng sự kiện trên đã đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa xã hội thế giới và là kết cục bi thảm của phong trào cộng sản quốc tế. Không chỉ những kẻ chống cộng điên cuồng mà cả những người nghiên cứu hời hợt lý luận chủ nghĩa cộng sản đều nói về sự lạc hậu của chủ nghĩa Mác - Lênin, theo họ, Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô là sự sai lầm của lịch sử, hệ tư tưởng cộng sản đã cáo chung và tìm cách thay thế hệ tư tưởng đó bằng sự pha trộn các giá trị xã hội dân chủ và dân tộc chủ nghĩa.
Thực chất, chủ nghĩa cộng sản không chỉ là những giá trị, mà nó còn là sự thể hiện tất cả các giai đoạn phát triển lịch sử. Sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên, sự thay thế hình thái kinh tế xã hội này bằng hình thái kinh tế xã hội khác do lực lượng sản xuất quyết định. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được hình thành một cách khách quan trong phương thức sản xuất đó. Mác đã gọi chủ nghĩa cộng sản là “Sự giải quyết câu đố lịch sử”. Cũng như toàn bộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận chủ nghĩa xã hội không xuất hiện trên mảnh đất hoang (như những lời vu cáo của những kẻ phản Mác-xit), nó kế thừa những tư tưởng cộng sản và giải phóng xã hội của quá khứ mà những người ưu tú của nhân loại đã ấp ủ hàng thế kỷ, đã phấn đấu không mệt mỏi, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì sự nghiệp giải phóng nhân loại.
Báo chí tư bản đã từng nói đến “bóng ma cộng sản đang ám ảnh châu Âu” vào những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XIX, và hiện nay báo chí tư bản cũng đã lại nói đến “bóng ma của sự tái cộng sản hóa” ở châu Âu, châu Mỹ La tinh và các châu lục khác. Từ chỗ chỉ là “bóng ma”, ngót 100 năm sau Cách mạng Tháng Mười bùng nổ khiến cho chủ nghĩa tư bản đã sợ hãi càng sợ hãi hơn, và do đó, nó đã không từ một thủ đoạn nào hòng ngăn chặn ảnh hưởng, mưu toan bóp chết tiến trình lịch sử do Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra. Theo con đường Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực không phải chỉ ở Liên Xô mà còn hiện diện ở nhiều châu lục khác và trở thành đối trọng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ là nhân tố cần thiết cho hòa bình, ổn định của thế giới mà còn là điều kiện không thể thiếu để các nước chậm phát triển có được tự do độc lập thực sự.
Vì sao chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tồn tại hơn 70 năm với nhiều thành tựu to lớn lại bị sụp đổ? C.Mác đã từng nói, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp về thực chất mang tính kinh tế. Lênin nhấn mạnh rằng: “Xét cho cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”. Lênin còn cho rằng, muốn tăng năng suất lao động cần các yếu tố: Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ văn hóa cho người lao động, quản lý xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỹ năng của người lao động. Hầu hết tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều xuất phát từ một nền kinh tế lạc hậu nên khi lựa chọn mô hình phải căn cứ vào đặc điểm, hoàn cảnh thực tiễn xã hội và sự chỉ đạo về mặt lý luận, vận dụng lý luận vào thực tiễn đất nước, nghĩa là phải đặt chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất hiện thực. Sai lầm về kinh tế của Liên Xô là sau khi Lênin mất, chính sách kinh tế mới được thay bằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung và nền kinh tế phi thị trường hóa. Sự vận dụng không đúng đắn, thiếu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế cuộc sống cũng như chậm tổng kết những bài học từ thực tiễn để bổ sung đường lối, chính sách, phát triển lý luận đã làm cho chủ nghĩa xã hội rơi vào trì trệ. Do duy trì quá lâu một mô hình tổ chức xã hội có nhiều điểm không phù hợp với lý tưởng nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Vội vã xóa bỏ mọi thành phần kinh tế, sản xuất hàng hóa, nghiêm trọng hơn là nó vi phạm quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Xóa bỏ một cách duy ý chí sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, các nước xã hội chủ nghĩa đã phải trả giá cho sự tách biệt siêu hình và giả tạo giữa sản xuất và nhu cầu, sản xuất với tiêu dùng, nhiều nước áp dụng phổ biến cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, không dựa vào đòn bẩy kinh tế mà chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính. Chậm trễ trong cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội. Điều này khiến cho các đảng cầm quyền một thời gian dài rơi vào giáo điều, rập khuôn, máy móc khi vận dụng lý luận vào thực tiễn, kinh tế chậm phát triển và không giải quyết được những vấn đề tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những khuyết tật mang tính giáo điều, chủ quan, duy ý chí, quan liêu, xa rời quần chúng đã làm cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội không được phát huy đầy đủ, cuối cùng, chủ nghĩa xã hội rơi vào khủng hoảng và đi đến sụp đổ.
Không thể lấy sai lầm khuyết tật ấy mà quy về cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin, càng không phải nó là kết quả tất yếu của Cách mạng Tháng Mười. Để khắc phục tình trạng khủng hoảng, các nước xã hội chủ nghĩa đã tiến hành cải tổ, đổi mới, cải cách. Tiến trình này đã diễn tiến theo những chiều hướng thuận, nghịch khác nhau. Cách mạng Tháng Mười bị phản bội, và là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp dẫn tới sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Gorbachốp đã đưa tự do tư sản vào lũng đoạn hoạt động của Đảng Cộng sản, vào nhà nước xã hội chủ nghĩa, phá hoại từ bên trong cơ thể xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đưa chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản vào thay thế mối quan hệ dân tộc xã hội chủ nghĩa, tạo ra những xu hướng ly tâm dẫn tới tan rã Liên bang Xô Viết.
Với phương pháp tư duy biện chứng, chúng ta khẳng định chắc chắn rằng chủ nghĩa xã hội chỉ thất bại tạm thời. Đó là thất bại của những mô hình, chế độ cụ thể, chủ yếu do không vận dụng và phát triển sáng tạo, đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể mỗi nước. Vì vậy, sự thất bại đó không phải là thất bại của những nguyên lý cơ bản và bản chất, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Càng không thể lấy làm cớ để nói rằng, Cách mạng Tháng Mười đã hết vai trò lịch sử, chủ nghĩa cộng sản đã đi vào sự cáo chung. Chủ nghĩa xã hội sẽ phát triển và vận động theo những quy luật vận động của xã hội loài người. Lênin cũng đã chỉ ra rằng: Không có một nước tư bản chủ nghĩa nào mà không trải qua cuộc đấu tranh khốc liệt trong xã hội tư sản. Để ra khỏi chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản phải mất 300 năm mới có bước phát triển như ngày nay. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội chỉ mất khoảng nửa thế kỷ để có một siêu cường công nghiệp vũ trụ và nguyên tử, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ qua việc phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng được một hệ thống giá trị riêng của mình.
Cách mạng Tháng Mười đã mở ra cánh cửa của thời đại mới để xây dựng một loại hình xã hội rất mới cả về lý luận và thực tiễn - loại hình xã hội đầu tiên thực sự là của dân, do dân, vì dân. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và tương lai của chủ nghĩa xã hội: đó là một tất yếu lịch sử tự nhiên nhưng nó sẽ phải là một quá trình rất phức tạp và rất lâu dài. Nhận thức về thời kỳ quá độ của chúng ta so với trước đây cũng đã có những phát triển mới. Đánh giá về chủ nghĩa tư bản và khả năng điều chỉnh, thích nghi, khắc phục tạm thời những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay cũng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng để định hướng nhận thức, củng cố lập trường của những người cộng sản. Cũng từ thực tiễn mấy chục năm qua, cho phép chúng ta nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội, từ đó lựa chọn cho mình hình thức, bước đi phù hợp, tránh được những sai lầm phải trả giá. Không chỉ qua khủng hoảng, không chỉ qua sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, mà quan trọng hơn là qua cải cách, đổi mới với những thành tựu ban đầu của Trung Quốc, Việt Nam… chúng ta nhận thức đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Lịch sử chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được tính từ khi cách mạng Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ năm 1930. Trong hơn 80 năm qua, Đảng ta không chỉ luôn kiên định mục tiêu đó mà còn coi đó là nguyên tắc bất biến trong suốt tiến trình cách mạng nước ta, đặc biệt trong tiến trình đổi mới hiện nay.
Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Việt Nam đã làm nên Cách mạng Tháng Tám, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, nêu tấm gương sáng và cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do và lựa chọn con đường phát triển tiến bộ cho đất nước.
Kỷ niệm 97 năm Cách mạng Tháng Mười giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào thực tiễn đất nước. Với mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn ở giai đoạn sau. Đó chính là những giá trị bền vững của chủ nghĩa xã hội đang thể hiện trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam.