T
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La và trả lời câu hỏi của các đại biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore từ ngày 31-5 đến 2-6 với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, các nhà lãnh đạo quân sự đại diện chính phủ của 31 quốc gia trong và ngoài khu vực. Hội nghị đã tập trung thảo luận vào những vấn đề an ninh nóng bỏng nhất hiện nay. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được mời với tư cách là diễn giả chính tại Hội nghị và đã có bài phát biểu quan trọng.
Lòng tin chiến lược
Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có ý nghĩa đề dẫn của hội nghị đã phác họa bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đề xuất chủ đề cùng chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam cho rằng, các cơ chế hợp tác hiện có trong khu vực đã tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác an ninh đa phương và tìm giải pháp cho những thách thức đang đặt ra. Nhưng “vẫn còn thiếu – hay ít nhất là chưa đủ - lòng tin chiến lược trong việc thực thi các cơ chế đó”.
Lòng tin chiến lược được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.
Các nước trong khu vực sẵn sàng đón nhận sự can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc đóng vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai của chính họ cũng như của cả khu vực và thế giới.
Sự kỳ vọng vào tương lai của khu vực cũng phải được củng cố bằng lòng tin chiến lược và thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia, trên cơ sở một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác đa phương.
An ninh biển
Trong các nội dung chính của đối thoại Shangri-La 12, không có chủ đề nào trực tiếp nói về vấn đề Biển Đông, tuy nhiên quá trình hiện đại hóa quân sự của các nước lớn và những căng thẳng trong khu vực Biển Đông vẫn được diễn đàn đặc biệt quan tâm nhất là cách tiếp cận trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Bởi vì an ninh biển hiện nay có liên quan trực tiếp đến cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Những điểm nóng về an ninh biển một mặt đe dọa trực tiếp đến an ninh của các quốc gia có tranh chấp, đồng thời tác động không nhỏ đến an ninh hàng hải và lợi ích của các quốc gia khác.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố DOC tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc COC.
Việt Nam kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc COC phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
An ninh mạng
Trong bài phát biểu của mình, ông Chuck Hagel Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng mối đe dọa tấn công mạng là một nguy cơ “lặng lẽ, lén lút và âm thầm” với nước Mỹ và các quốc gia khác, đồng thời kêu gọi xây dựng bộ quy tắc để tránh xung đột mạng trên phạm vi toàn cầu.
Ông Hagel nói: “Mối đe dọa an ninh mạng là có thật, chúng vô cùng nguy hiểm”, “Đó không phải là mối đe dọa với riêng nước Mỹ, mà với tất cả, nên chúng ta phải tìm ra cách nào đó… hợp tác với Trung Quốc, với tất cả mọi người để phát triển các quy tắc, các nhận thức quốc tế, các trách nhiệm của Chính phủ”.
Trong khi nhắc đến quan ngại của Mỹ về các vụ thâm nhập mạng liên quan đến Chính phủ và quân đội Trung Quốc, ông Hagel cũng nhấn mạnh sự tin tưởng rằng việc giải quyết nhiều vấn đề an ninh trong khu vực đòi hỏi sự hợp tác mật thiết hơn giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Hagel cũng nói với các phóng viên trước khi đến Singapore rằng ông đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới thăm Mỹ vào tháng 8 tới.
Tái cân bằng khu vực
Phần quan trọng trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel là chiến lược tăng cường trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Ông Chuck Hagel khẳng định Mỹ sẽ triển khai thêm máy bay, binh sĩ và vũ khí công nghệ cao tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình đẩy nhanh kế hoạch tái cân bằng chiến lược.
Ông Hagel cam kết với các đồng minh và đối tác tại Đối thoại Shangri-La 12 Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục chuyển trục chiến lược tới khu vực, bất chấp ngân sách hạn chế, vì sau khi cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ vẫn chiếm 40% chi tiêu quốc phòng toàn cầu.
Ông Hagel cho biết đến năm 2020 Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tại châu Á - Thái Bình Dương, sau khi rút khỏi hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ ưu tiên triển khai các hệ thống vũ khí công nghệ cao tại khu vực bao gồm máy bay tiêm kích tránh radar F-22 Raptor, máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia.
Theo ông Hagel, các vấn đề an ninh nhức nhối nhất trong khu vực là vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền các vùng biển xung quanh Trung Quốc cũng như các hoạt động quấy nhiễu không gian vũ trụ và không gian mạng.
Như vậy, năm nội dung đã được xác định (Tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; Hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; Vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; Các cơ chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; Thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á - Thái Bình). Theo các phóng viên từ Singapore trên cơ sở bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chủ đề và trong các tham luận của các đại biểu tại hội nghị.
Trần Đình Kỳ