Ông bà ta có câu Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng. Cùng khám phá cách chuẩn bị mâm cỗ rằm đầy đủ để cầu mong cho sự bình yên.
Cúng rằm tháng giêng
Ngày Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, theo tục xưa gọi là: Tết Nguyên Tiêu.
Ý nghĩa:
Vào ngày này, người Việt Nam thường đi lễ Chùa, lễ Phật để cầu mong cho sự bình yên, khoẻ mạnh quanh năm.
Cúng ai trong lễ Rằm tháng giêng?
Thành ngữ có câu:
Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng
Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng
Sắm lễ:
Trong ngày lễ này, mỗi gia đình người Việt có thể cúng cơm chay, hương đèn, hoa quả hoặc mâm lễ mặn, xôi gà, cơm canh thành kính dâng lên tổ tiên.
Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình, mỗi vùng miền có thể khác nhau nhưng đều là để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn.
Theo quan niệm từ xưa, đây là thời điểm thích hợp để cầu nguyện an lành cho cả năm. Người theo đạo Phật thường cúng chay trong ngày này, cũng tùy theo tín ngưỡng mà có gia đình cúng Phật, có nhà cúng Thổ công, cũng có hộ cúng Thần tài. Nhưng không thể thiếu mâm cúng gia tiên, tạ ơn ông bà, cha mẹ đã phù hộ cho con cháu phước lành và giải trừ tai ương cho một năm mới.
Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn được gọi là tết muộn. Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng có ý nghĩa không khác gì ngày Tết nguyên đán. Sau rằm tháng Giêng mới là thời điểm chính thức bước vào mùa lao động mới, kết thúc quãng thời gian ăn chơi đầu xuân.
Ngoài tới chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe trong ngày rằm, người Việt cũng rất coi trọng lễ cúng tại nhà trong Tết nguyên tiêu. Các gia đình thường sắm hai lễ, một là cúng Phật cúng thần linh, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ.
Mâm cỗ cúng Phật:
Ngày nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi nhưng nhiều gia đình vẫn quan niệm rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm. Lễ vật dâng cúng thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Ngày nay, nhiều người dân cúng rằm tháng Giêng có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.
Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
Mâm cỗ cúng gia tiên
Với những gia đình không theo đạo Phật, mâm cỗ cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn, khá giống mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa. Với nhà khá giả có thể có nhiều hơn. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và bát nước chấm.
Tổng cộng là tròn 10 món. Những món ăn trong mâm cỗ cúng cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt. Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; thịt lợn đã chế biến thuộc về âm, dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đẩy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Dù cỗ chay hay cỗ mặn, đối với người Việt, ngày rằm tháng Giêng luôn có vị trí trọng đại. Đây là dịp để tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, cùng ước mong năm mới với nhiều may mắn an nhiên.
Các vật phẩm khác như:
- Hương hoa vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu