Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa-xã hội được tổ chức trên khắp đất nước. Một trong những vấn đề đặt ra từ nhiều năm qua khiến các nhà quản lý phải đau đầu, đó là tệ nạn mê tín dị đoan và lễ hội phản cảm. Điều đáng ngại hơn và đã trở thành lực cản không nhỏ với cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan và lễ hội phản cảm là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trực tiếp tham gia, hoặc gián tiếp bao che, dung túng cho tệ nạn này.
Mê tín dị đoan-căn bệnh trầm kha
Nhìn lại những năm qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy nền kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển mới, những thành tựu quan trọng của đất nước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, văn hóa-xã hội có những bước phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng dân gian có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, cùng với những chuyển động tích cực là cơ bản, những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường vào đời sống văn hóa-xã hội cũng không hề nhỏ, rõ nhất là tệ nạn mê tín dị đoan, lễ hội phản cảm có chiều hướng gia tăng.
Những hoạt động có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị ngăn chặn (Ảnh minh họa).
Đặc biệt là sự phục hồi của nhiều hủ tục và những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lạc hậu, sự xuất hiện của những thứ tôn giáo lạ. Các hoạt động mang đậm màu sắc mê tín dị đoan, như: Bói toán, đồng bóng, gọi hồn, cúng ma... đã từng bị đẩy lùi nay lại có chiều hướng phát triển trở lại ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Từ suy nghĩ “trần sao âm vậy” nhiều người đã bị cuốn vào cuộc đua mua sắm vàng mã đắt tiền, xây cất mồ mả to lớn, tốn kém. Không ít người tin rằng có thánh thần, ma quỷ và các lực lượng siêu nhiên có khả năng sắp đặt, điều chỉnh đời sống con người, nên họ không lo rèn luyện phấn đấu, tính toán làm ăn mà chỉ lo mời thầy cầu cúng. Nhiều người bệnh không tới bệnh viện điều trị thuốc thang mà chỉ lo mời thầy mo, thầy cúng. Không ít phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa, lễ hội tốt đẹp của cộng đồng bị lạm dụng, xuyên tạc, đan cài thêm những yếu tố mê tín dị đoan, những trò nhảm nhí, phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nhiều lễ hội, hình thức tín ngưỡng, tôn giáo chân chính bị biến tướng pha đậm màu sắc mê tín dị đoan, không còn ý nghĩa như xưa, trở thành nơi buôn thần, bán thánh. Cũng do mê tín dị đoan mà trong xã hội xuất hiện những tà đạo, những tôn giáo lạ hoạt động trái pháp luật...
Điều đáng lo ngại là mặc dù xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhưng tệ nạn mê tín dị đoan lại có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Khác với trước đây chỉ tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi thuộc thành phần có thu nhập thấp, đời sống vật chất, tinh thần khó khăn, nhận thức hạn chế thì nay mê tín dị đoan lại có chiều hướng phát triển mạnh ở đô thị, trong tầng lớp có trình độ nhận thức cao, cuộc sống khá giả. Nguy hiểm hơn là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tham gia, bao che, dung túng cho tệ nạn này. Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện xảy ra cách đây hơn 3 năm, tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), có hai cha con đều là đảng viên, cán bộ cấp cơ sở nhưng đã lợi dụng lòng tin của người dân để thực hiện hành vi bói toán, xem tướng ngay tại nhà nhằm trục lợi. Tương tự, mới đây ở Bệnh viện huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một cán bộ chuyên viên kỹ thuật đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân và người dân, tự xưng là "thầy phong thủy có những khả năng kỳ diệu" để thực hiện những hành vi mê tín dị đoan nhằm trục lợi... Ở một bộ nọ lại có cả cán bộ cấp vụ trưởng cũng đi hầu đồng... Cán bộ, đảng viên, công chức tin theo bói toán, tướng số thì dân cũng tin theo và thế là mê tín dị đoan đã trở thành căn bệnh trầm kha trong xã hội.
Mê tín dị đoan ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực
Tuy chưa phải là nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, nhưng mê tín dị đoan ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội, từ tư tưởng, chính trị, đạo đức đến kinh tế, đời sống. Tệ nạn mê tín dị đoan đã gây ra những thiệt hại lớn và hậu quả xấu cả về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, tính mạng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thì trung bình mỗi mùa lễ hội có đến hàng chục tỷ đồng tiền thật đã bị thiêu đốt theo vàng mã và chi cho các hoạt động buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan. Cũng vì mê tín dị đoan mà không ít gia đình đã lâm vào cảnh ly tán, tan cửa nát nhà, suy kiệt về kinh tế. Bao cái chết thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân là do người dân nhẹ dạ, cả tin vào thầy mo, thầy cúng.
Không chỉ vậy, mê tín dị đoan còn có thể thâm nhập vào tư tưởng của cán bộ, đảng viên, làm cho cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thay đổi quan điểm, lập trường cách mạng. Không ít cán bộ, đảng viên, công chức chỉ vì mê muội đã từ bỏ việc rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, vai trò tiên phong gương mẫu để chờ đợi vào số mệnh, sự may-rủi, cầu xin sự ban ơn, che chở của thần linh và các đấng siêu nhiên.
Đặc biệt, khi mà các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị phản động lợi dụng mê tín dị đoan để chống phá thì nó còn gây ra những rối ren về an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần xã hội, đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan và các lễ hội phản cảm là biểu hiện cụ thể về suy thoái đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm sức chiến đấu và uy tín lãnh đạo của Đảng trong nhân dân, trở thành một lực cản không nhỏ cho cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn này trong xã hội. Đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống là: “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.
Trước hết phải ngăn chặn mê tín dị đoan trong cán bộ, đảng viên
Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp thiết của cách mạng. Do vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức cũng phải là những người đi đầu trong việc quán triệt, triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và những giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan.
Không chỉ đến bây giờ mà ngay từ khi mới giành được độc lập, vấn đề đấu tranh bài trừ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan, tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến trong Đảng, trong xã hội đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Qua từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách, phát luật phù hợp để vừa đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, lễ hội phản cảm, nhưng vẫn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Để đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tệ nạn mê tín dị đoan, lập lại trật tự xã hội, chúng ta phải làm nhiều việc. Nhưng trước hết chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng: Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan trong Đảng và trong nhân dân là công việc không thể một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, phải làm kiên trì, bền bỉ.
Mặt khác đây không phải là công việc của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn Đảng và toàn xã hội. Một công việc hết sức quan trọng trước khi nghĩ tới việc đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ tệ nạn mê tín dị đoan ra khỏi đời sống xã hội, đó là phải loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Niềm tin mù quáng, không suy xét là kết quả của nhận thức cảm tính thiếu lý trí, thiếu trí tuệ sáng suốt dẫn đến những hành vi tin vào những điều thần bí, nhảm nhí, không dựa trên những cơ sở khoa học. Do đó, để bài trừ tệ nạn này, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về mê tín dị đoan, phân biệt rõ những hiện tượng mê tín dị đoan với các tín ngưỡng, tôn giáo chân chính.
Đi đôi với tăng cường công tác quản lý, giám sát, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần mở rộng dân chủ, phát huy tai mắt của dân để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện mê tín dị đoan. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan. Vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố rất quan trọng để các chỉ thị, nghị quyết ấy đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Cán bộ, đảng viên nếu chỉ gương mẫu tránh xa mê tín dị đoan là chưa đủ mà còn phải có trách nhiệm tham gia tuyên truyền cho người thân, cho gia đình, khu phố, làng xóm, thôn bản hiểu bản chất phi khoa học và hậu quả khôn lường của tệ nạn này. Để giúp cán bộ, đảng viên làm tốt công việc ấy thì các cơ quan chức năng phải thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu phân tích rõ tính chất phản khoa học, diễn biến tình hình cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ mê tín di đoan và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.