Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò chủ thể của con người trong mọi hoạt động, trong đó có đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (1).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò chủ thể của con người trong mọi hoạt động, trong đó có đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (1).
Công tác cán bộ qua những lời dạy của Bác
Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác cán bộ và đạt nhiều thắng lợi quan trọng, như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “đội ngũ cán bộ ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…”.
Chủ tịch Hồ Chủ Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951 (Ảnh tư liệu).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(2). Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây có giá trị. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc chung. Để làm được điều đó, Người cũng chỉ ra một số việc sau:
Phải biết rõ cán bộ. Biết không phải theo mối quan hệ thân quen, họ hàng thân tộc, anh em, bầu bạn, mà biết rõ là cần có cách nhìn nhận, đánh giá về quá trình học tập, công tác, năng lực sở trường, về phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ để bố trí công việc cho hợp lý. Một thực tế cho thấy khi bầu cử đại biểu ở một số cấp, người trực tiếp cầm lá phiếu thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng chưa biết rõ về người được bầu như thế nào. Người nói: “Đảng ta chưa thực hành cách thường xuyên xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to”(4); và theo Người, “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác những người hủ hóa cũng lòi ra”(5).
Phải cất nhắc cán bộ một cách đúng đắn. Cất nhắc (đề bạt, bổ nhiệm) cán bộ thể hiện sự quan tâm, động viên, thúc đẩy sự nỗ lực của cá nhân cán bộ được cất nhắc, bên cạnh đó còn cổ vũ, làm gương cho cán bộ cấp dưới noi theo, tiếp tục phấn đấu rèn luyện để sớm được tổ chức tín nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi cất nhắc một cán bộ, phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy, mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” (6). Người lưu ý thêm: “Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại” (7); đồng thời cũng chỉ rõ: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà phải xét cách sinh hoạt. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ không” (8).
Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu
Phải khéo dùng cán bộ. Cán bộ trước hết cũng là một con người, mà đã là người thì ai cũng đều có cái ưu, cái khuyết, có năng lực, sở trường riêng. Do đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn sử dụng cán bộ hiệu quả, phải đặt cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của họ. Người nói: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ”(9). Khéo dùng người được khẳng định là khoa học dùng người, được nâng lên tầm quan trọng là “nghệ thuật dùng người” và theo Bác, sử dụng cán bộ đừng nên: “Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng”(10). Vì thế, nếu biết tùy tài mà dùng thì phát huy được năng lực, sở trường và ngược lại.
Phải phân phối cán bộ cho đúng. Để cơ cấu, điều phối cán bộ cho đúng, điều cốt yếu là phải biết rõ cán bộ về năng lực sở trường, tư cách đạo đức, trí tuệ, sự nhiệt tình, nhạy bén trong công việc, phải nắm rõ đặc điểm địa bàn, cơ quan, đơn vị, tổ chức, xí nghiệp… để bố trí cán bộ cho hợp lý. Cán bộ phải sát dân, gần dân, hiểu dân, tôn trọng ý kiến của Nhân dân, biết lắng nghe dân nói, làm cho dân noi theo, để từ đó dân phục, dân tin yêu, kính trọng thì mới lãnh đạo được. Trong thực tiễn về bố trí cán bộ ở những nơi có biến cố công tác cán bộ xẩy ra, chúng ta cần phải thăm dò, theo dõi, lựa chọn những cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, có quan hệ khăng khít với quần chúng nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thì mới mang lại hiệu quả. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong một nơi quan trọng ở thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ khăng khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến, tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”(11).
Phải giúp cán bộ, giữ gìn cán bộ. Đã là con người thì “nhân vô thập toàn”, cũng có khi mắc phải những khuyết điểm, nhưng điều cốt yếu là có nhận ra khuyết điểm và khắc phục được hay không. Khi cán bộ có khuyết điểm, theo Bác, phải tạo cơ hội cho họ được sửa chữa, tự nhận ra, tự vấn lương tâm để rèn luyện mình trong sáng hơn, không nên vội vàng bêu xấu, hạ bệ mà “phải luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những việc sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc”(12).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ cũng như những hạt giống, nếu không biết quý cán bộ như người nông dân canh tác không biết giữ hạt giống tốt cho mùa sau thì sẽ thất bại. Trong công tác cán bộ, có những lúc, những nơi phải điều động đi biệt phái, tăng cường, nhưng khi mọi việc đã ổn định thì phải rút cán bộ cũ về, đưa cán bộ mới thay thế kịp thời…
Hà Tĩnh thực hiện lời dạy của Người…
Những lời dạy của Bác về cán bộ và công tác cán bộ rất mộc mạc, giản dị, dễ hiểu nhưng lại thể hiện rõ tính khoa học, nghệ thuật và tính thực tiễn rất cao. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ và thu được nhiều kết quả tích cực; công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Đồng chí Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Trên cơ sở các quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của địa phương, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, BCH Đảng bộ tỉnh đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ phù hợp với tình hình mới, như: Quy định số 680-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định số 681-QĐ/TU về một số chính sách đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 682-QĐ/TU, Quy định 1198-QĐ/TU về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Quy trình công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo môi trường để cán bộ cống hiến, trưởng thành và chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện nghiêm túc, có nhiều điểm mới, theo hướng xuyên suốt, đa chiều, bằng sản phẩm, tiêu chí cụ thể. Chất lượng đội ngũ cán bộ đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cơ bản được nâng lên. Đặc biệt, xác định 2020 là năm đại hội Đảng các cấp, công tác cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, lựa chọn chủ đề riêng của tỉnh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “Đoàn kết toàn dân, thống nhất trong Đảng, nêu cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp ở Hà Tĩnh được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Trong ảnh: Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã Thạch Kim, Lộc Hà nhiệm kỳ 2020 - 2025
Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, gắn với bổ sung, ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, xây dựng quy chế phối hợp và có lộ trình, bước đi thích hợp đảm bảo tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trước. Đến nay, ở cấp tỉnh giảm 168 đầu mối; ở cấp huyện giảm 282 đầu mối; cấp xã giảm được 830 thôn, tổ dân phố, 786 đầu mối tổ chức hội. Kịp thời triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; đã sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã; các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập đã tổ chức đại hội Đảng thành công, bộ máy vận hành ổn định. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhất là đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tinh giản biên chế.
Đặc biệt, tại đại hội đảng bộ các cấp và nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công tác nhân sự đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, cơ bản đã lựa chọn được những hạt nhân ưu tú nhất tham gia cấp ủy các cấp.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục quán triệt, nắm vững tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tạo môi trường công tác thuận lợi, trong sạch cho đội ngũ cán bộ.
Đại biểu đoàn Hà Tĩnh trao đổi bên lề Đại hội XIII của Đảng, diễn ra từ 25/1 - 1/2/2021.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ chủ chốt, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Đẩy mạnh thi tuyển, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Ba là, tiếp tục làm tốt việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ. Khảo sát, đánh giá kỹ nguồn cán bộ trong quy hoạch các cấp làm căn cứ rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý một cách căn cơ, khoa học, hợp lý, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu, tỷ lệ trên các ngành nghề, lĩnh vực, vị trí, chức danh quy hoạch. Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, đề án đưa cán bộ trẻ đi đào tạo.
Bốn là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; hoàn thiện quy chế, quy định, quy trình đánh giá cán bộ, nhất là các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu ứng cử. Công khai, dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ. Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân trong đánh giá đội ngũ cán bộ.
Năm là, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, rà soát, đánh giá thực trạng công tác cán bộ, xây dựng ban hành quy định, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ sung hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, đổi mới công tác bầu cử, mở rộng thi tuyển một số chức danh chủ chốt của các địa phương, các ngành.
Sáu là, cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc bằng nghĩa vụ và trách nhiệm.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bảy là, nâng cao vai trò Nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, lấy phiếu đánh giá, nhận xét của Nhân dân đối với cán bộ nơi cư trú, nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Tám là, coi trọng tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ; kịp thời rút ra những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, bổ sung, điều chỉnh, thay thế những quy định không phù hợp nhưng phải đảm bảo yêu cầu nâng cao chuẩn các tiêu chí lựa chọn để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự của dân, do dân và vì dân - cán bộ là công bộc của Nhân dân. Theo chương trình công tác toàn khóa (2020 - 2025), trong quý I/2021, BCH Tỉnh ủy sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ; trong đó sẽ có giải pháp lựa chọn, sắp xếp, bố trí người làm công tác tổ chức, cán bộ phải đảm bảo phẩm chất, năng lực, có ý thức trách nhiệm cao, luôn làm việc với phương châm “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Để có cán bộ tốt, cán bộ giỏi, trước hết phải có người tốt, người giỏi làm công tác tổ chức - cán bộ, thực sự “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, chuyên nghiệp, tinh thông”.
Từ (1) đến (12): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 NXB CTQG, H. 1995, Tr.269; Tr.54-55; Tr.273; Tr.274; Tr.275; Tr.281