Ngày 26/6/2025, Thanh tra Chính phủ đã chính thức ban hành Kế hoạch số 1238/KH-TTCP về việc thanh tra chuyên đề công tác phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên toàn quốc. Kế hoạch này được đưa ra nhằm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Phiên họp thứ 27 và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo
(ThanhtraHaTinh) – Ngày 26/6/2025, Thanh tra Chính phủ đã chính thức ban hành Kế hoạch số 1238/KH-TTCP về việc thanh tra chuyên đề công tác phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên toàn quốc. Kế hoạch này được đưa ra nhằm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Phiên họp thứ 27 và Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.
Mục đích và yêu cầu
Mục đích của đợt thanh tra nhằm đánh giá thực trạng công tác phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ghi nhận những cách làm hay để nhân rộng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gây lãng phí (nếu có), cũng như phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Yêu cầu đặt ra cho hoạt động thanh tra là phải tuân thủ pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, đúng thời hạn, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực và công khai. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Phạm vi, nội dung, đối tượng và thời kỳ thanh tra
Phạm vi thanh tra bao gồm việc ban hành, chấp hành quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất, cùng với quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và cá nhân liên quan. Trọng tâm sẽ là việc quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng không hiệu quả, tạo rào cản phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung thanh tra tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách, chấp hành quy định về phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng nhà, đất; việc quản lý, sử dụng, giao, cho thuê, thu hồi, chuyển nhượng, đấu giá, bán tài sản trên đất; việc quyết định chủ trương đầu tư dự án, thẩm định, phê duyệt dự án, tiến độ thực hiện, bố trí vốn, quyết toán dự án; việc xử lý các trường hợp nhà, đất không sử dụng được, hiệu quả thấp; việc xác định đơn giá, nghĩa vụ tài chính và xử lý vi phạm liên quan đến nhà, đất.
Thời kỳ thanh tra được xác định từ ngày 01/01/2019 đến ngày 01/7/2025, có thể xem xét các nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ này nếu cần thiết.
Thời hạn và tổ chức thực hiện
Thời hạn thanh tra thực tế là 60 ngày làm việc đối với Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ và 45 ngày làm việc đối với Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra tỉnh.
Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Cục IV) thuộc Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thanh tra khác về nội dung, thời kỳ và đối tượng thanh tra. Cục IV cũng sẽ chủ trì thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, xử lý vướng mắc và tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra. Các Đoàn thanh tra dự kiến sẽ tiến hành thanh tra vào tháng 8 năm 2025.
Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm thống kê, rà soát, lập danh sách các cơ sở nhà, đất sử dụng không hiệu quả, gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/7/2025. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình thanh tra và chỉ đạo cơ quan thanh tra trực thuộc triển khai kế hoạch.
Kết luận thanh tra dự kiến sẽ được ban hành trước ngày 31/12/2025. Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp kết quả thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trước ngày 01/3/2026.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai và nhà ở, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy tối đa nguồn lực quốc gia.