Việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội...
Anh minh họa
Ngày 28/10, Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam”. Đây là hoạt động để chuẩn bị cho Đối thoại “Phòng chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ” sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 tới đây.
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại Kỳ họp Quốc hội lần này không có thay đổi nhiều. Điệp khúc được lặp lại là “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công…”.
Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp. Cách nào thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là bài toán làm đau đầu cơ quan chức năng.
Nguyên tắc xử lý tham nhũng trong Luật Phòng chống tham nhũng quy định rất cụ thể: tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Bộ Luật Hình sự cũng quy định các tội về tham nhũng là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Thế nhưng trên thực tế xét xử, hình phạt bổ sung là tịch thu hoặc thu hồi tài sản hầu như không được áp dụng.
Tội phạm tham nhũng là tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Hiển nhiên, đây là những người không chỉ hiểu biết về pháp luật mà còn có kinh nghiệm công tác, có nhiều mối quan hệ. Do vậy, việc xác minh đâu là tài sản tham nhũng không hề đơn giản bởi nó đã được ngụy trang, tẩu tán, chuyển hóa để nhằm đối phó trước khi hành vi phạm tội tham nhũng được phanh phui.
Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức được coi như là giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Nhưng sau nhiều năm thực hiện, giải pháp này vẫn chỉ là hình thức. Bởi lẽ gần 1 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp tiến hành xác minh, 1 trường hợp bị xử lý kê khai không trung thực. Thông tin được đưa ra từ Thanh tra Chính phủ - cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi con số này có đáng để tin cậy. Nó có phản ánh đúng thực trạng chưa.
Ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng: Trong 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nằm trong nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả kém nhất.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng, không ít chuyên gia đã hiến kế: nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, tiến tới giao dịch phải được thực hiện qua ngân hàng; cần có một hệ thống pháp luật nghiêm, một cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, không bị ràng buộc, đủ quyền năng. Nhưng trên hết, chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để từ chính những người đứng đầu đối với hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản do tham nhũng./.