Trong những năm qua, ngành Thanh tra đã ban hành nhiều quy định cũng như thực hiện các cơ chế nhằm phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra và bước đầu có kết quả nhất định. Tuy nhiên, cần có thêm giải pháp xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra như hoàn thiện về pháp luật và nâng cao nhận thức của đối tượng thanh tra và các đối tượng khác có liên quan về hoạt động thanh tra.
Đó là nhận định trong Chuyên đề khoa học độc lập năm 2018 “Nhận diện các hành vi vi phạm của cán bộ thanh tra trong hoạt động thanh tra” của ThS. Lê Văn Đức - Phó trưởng Phòng Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.
Hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra
Hoàn thiện cơ chế pháp luật trong hoạt động thanh tra, trước hết cần phải mô tả rõ hơn và nhóm các dạng hành vi vi phạm và quy định chế tài xử lý tương ứng với mỗi dạng hành vi trong các văn bản pháp luật. Việc mô tả các dạng hành vi vi phạm trong hoạt động thanh tra cần được thực hiện theo các giai đoạn tiến hành thanh tra, trong mỗi giai đoạn này có những hành vi nào có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; chủ thể nào có khả năng vi phạm để cán bộ thanh tra không được thực hiện. Việc mô tả các dạng hành vi vi phạm cũng cần phải được chia theo nội dung: Các dạng hành vi nào có tính chất tiềm ẩn nguy cơ vi phạm (phòng ngừa xung đột lợi ích); các dạng hành vi vi phạm pháp luật; các dạng hành vi vi phạm về đạo đức, văn hoá ứng xử, giao tiếp; các dạng hành vi vi phạm về nghiệp vụ thanh tra.
“Trên cơ sở nhận diện rõ ràng, đầy đủ các dạng hành vi vi phạm cần quy định chế tài xử lý tương ứng với từng nhóm hành vi. Chế tài xử lý hành vi vi phạm cần nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động thanh tra. Chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm nên hướng tới việc cấm đảm nhiệm chức vụ, không được bổ nhiệm, thi nâng nghạch thanh tra; không được tham gia hoạt động thanh tra trong thời hạn nhất định..., đến mức vi phạm pháp luật cụ thể mới áp dụng chế tài kỷ luật hành chính, hình sự.” ThS. Lê Văn Đức nhấn mạnh.
ThS. Lê Văn Đức - Phó trưởng Phòng Thông tin - Tư liệu và Thư viện, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra trình bày ý kiến tại cuộc họp
Hoàn thiện cơ chế giám sát hoạt động Đoàn thanh tra cũng cần theo hướng mở rộng chủ thể có thẩm quyền giám sát trong trong các cơ quan thanh tra. Trên thực tế, thực hiện quy định về giám sát hoạt động thanh tra mới đạt được kết quả bước đầu tại Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh với việc thiết lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra ban hành theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP theo hướng mở rộng chủ thể giám sát (bao gồm bộ phận làm công tác cán bộ, Thủ trưởng đơn vị/bộ phận tổ chức Đoàn thanh tra và bộ phận giám sát chuyên trách); tăng thẩm quyền cho chủ thể giám sát theo hướng có quyền đối chiếu, xác minh nội dung thanh tra của Đoàn thanh tra với thông tin, tài liệu do đối tượng thanh tra cung cấp; có quyền làm việc trực tiếp cùng với các thành viên Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra khi thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện được pháp luật trong hoạt động thanh tra cũng cần phải hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước trong hoạt động thanh tra. Theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ mật trong ngành Thanh tra thì kế hoạch thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra thuộc danh mục tài liệu mật. Trên thực tế, đã có những trường hợp Đoàn thanh tra không thực hiện đầy đủ nội dung, phạm vi theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt vì nhiều lý do khác nhau mà khó bị phát hiện và xử lý; một số dự thảo kết luận thanh tra và kết luận thanh tra khác nhau cơ bản về nội dung, tính chất, nhất là nội dung kiến nghị xử lý về tài chính và cán bộ. Việc quy định nhiều nội dung thuộc danh mục tài liệu mật là cơ hội và điều kiện để cán bộ thanh tra lợi dụng thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Mặt khác, nó cũng hạn chế quyền giám sát của các chủ thể có thẩm quyền. Vì vậy, về nguyên tắc chỉ những nội dung, tài liệu gì liên quan đến bí mật nhà nước thì trong quá trình tiến hành thanh tra không được công bố, còn các nội dung khác, nhất là kế hoạch thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra không có lý do gì để đưa vào danh mục tài liệu mật.
Nâng cao nhận thức của đối tượng thanh tra
ThS. Lê Văn Đức cho hay, trong nhận thức của đối tượng thanh tra và các đối tượng khác có liên quan về hoạt động thanh tra hiện nay thì hoạt động thanh tra tiến hành ở đâu thì ở đó chắc chắn có vi phạm, tùy theo mức độ khác nhau. Chính vì vậy, đối tượng thanh tra luôn có suy nghĩ và hành động nhằm che đậy, cản trở hoặc mua chuộc cán bộ thanh tra. Điều này vô hình chung tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ thanh tra. Do đó, bên cạnh việc xác định lại mục đích, phương thức hoạt động của các cơ quan thanh tra, của hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay (thường tập trung phát hiện sai phạm sang tập trung làm rõ những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật; chuyển đổi phương thức hoạt động sang giám sát, đánh giá hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước phục vụ cho công tác quản lý) thì cần thiết phải thay đổi nhận thức của đối tượng thanh tra về hoạt động thanh tra. Theo đó, cần coi hoạt động của các cơ quan thanh tra là hoạt động bình thường phục vụ cho công tác quản lý, không phải là hoạt động của các cơ quan trong khối nội chính, tư pháp nhằm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm; thanh tra nhằm phát huy những nhân tố tích cực, phát hiện những sơ hở của của chế, chính sách, pháp luật, cũng như chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra. Nhận thức đầy đủ về mục đích, vai trò của hoạt động thanh tra sẽ làm thay đổi suy nghĩ, hành động của đối tượng thanh tra, qua đó mới phòng ngừa được nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
Như vậy, để nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thanh tra, cán bộ thanh tra cần phải nhận thức rõ và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động thanh tra. Vai trò, trách nhiệm ở đây là cán bộ thanh tra được Nhà nước trao quyền để thực thi công vụ, quyền hạn được giao trong giới hạn cụ thể và có cơ chế giám sát đầy đủ, chứ không phải sử dụng quyền hạn để tăng sự uy quyền cho cá nhân cán bộ thanh tra. Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thanh tra luôn cần sự tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, các chủ thể quản lý trong các cơ quan thanh tra. Cán bộ thanh tra khó có cơ hội và điều kiện thực hiện hành vi vi phạm nếu các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra là những cán bộ có đức, có tài, là tấm gương để cán bộ cấp dưới noi theo. Vì vậy, nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thanh tra trước hết phải từ các cấp lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thanh tra và trực tiếp là trong hoạt động Đoàn thanh tra, từ đó mới lan tỏa tới các cán bộ thanh tra./.