Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Làm lãnh đạo cũng là một nghề, phải rèn đức, luyện tài, trong đó đức phải là gốc. Thực tiễn đã chứng minh, người lãnh đạo, quản lý là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế, phẩm chất, nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, quản lý giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Làm lãnh đạo cũng là một nghề, phải rèn đức, luyện tài, trong đó đức phải là gốc. Thực tiễn đã chứng minh, người lãnh đạo, quản lý là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, xây dựng một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên” là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế, phẩm chất, nhân cách và năng lực của người lãnh đạo, quản lý giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Người xưa quan niệm: Được mất, vinh nhục không phải do nghề mà do người hành nghề quyết định. Trong các chức năng chủ yếu của lãnh đạo đối với sự thành công của tổ chức, chức năng điều hành và lãnh đạo con người là quan trọng nhất. Nhà lãnh đạo là người điều hành một tổ chức, biết dự kiến, lập kế hoạch, tổ chức, điều động và kiểm tra kết quả, nhằm mục đích làm cho tổ chức thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ và chức năng của mình.
Dù nhìn nhận theo cách nào, thì một nhà lãnh đạo phải đảm bảo được ba yếu tố, đó là khả năng tạo tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng. Hiểu một cách đơn giản, nhà lãnh đạo là người có khả năng tạo ra tầm nhìn cho một tổ chức hay một nhóm và biết sử dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng cho những người đi theo thực hiện tầm nhìn đó.
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức được hiểu là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quy tắc, chuẩn mực của đạo đức dần biến đổi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là các giá trị đạo đức cũ hoàn toàn mất đi, thay vào đó là các giá trị đạo đức mới. Các giá trị đạo đức ở Việt Nam hiện nay là sự kết hợp sâu sắc truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với xu hướng tiến bộ của thời đại, của nhân loại. Đó là tinh thần cần cù, sáng tạo, yêu lao động, là tình yêu quê hương, đất nước gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, có lối sống văn minh, lành mạnh, có tinh thần nhân đạo và tinh thần quốc tế cao cả.
Đối với người cán bộ, lãnh đạo ở Việt Nam, những phẩm chất đạo đức cơ bản bao gồm: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có trách nhiệm cao với công việc và tinh thần thái độ làm việc đúng mực; giữ vững tính nguyên tắc và tuyệt đối chấp hành kỷ luật; có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và những người có liên quan trong thực thi công vụ; làm việc với tinh thần sáng tạo, có phương pháp làm việc tốt, biết đề xuất sáng kiến để nâng cao năng suất lao động, hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao.
Trong điều kiện hiện nay, để xây dựng đạo đức lãnh đạo, cần tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề vật chất để xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo
Đạo đức phản ánh và chịu sự quy định của đời sống kinh tế mà trực tiếp là quan hệ lợi ích của con người. Chúng ta nói nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, điều đó không có nghĩa là không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của từng người. Lợi ích của tập thể và cá nhân có mối quan hệ hữu cơ, thống nhất với nhau, trong đó, lợi ích của tập thể phải đặt lên trên hết, trước hết. Tách rời và đối lập hai mặt đó với nhau là một quan điểm sai lầm. Vì vậy, bằng việc chăm lo phát triển kinh tế, qua đó nâng cao đời sống vật chất cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và Nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu tạo nền tảng của việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ lãnh đạo hiện nay.
Thực tế cho thấy rằng, ở đâu và lúc nào mà tình hình kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi, tình hình chính trị ổn định thì sẽ tạo tiền đề cho đạo đức cách mạng được củng cố, duy trì và phát triển.
Thứ hai, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương trong việc xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo
Bất kỳ tổ chức nào cũng do con người lập ra và đến lượt nó, các tổ chức lại quy định hành vi của các thành viên theo những chuẩn mực nhất định. Cán bộ lãnh đạo là những người hoạt động trong các tổ chức thuộc hệ thống kinh tế - chính trị, trong đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo. Việc phát huy vai trò của các tổ chức nhằm quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát, phê bình cán bộ lãnh đạo có tác dụng to lớn đối với việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những biểu hiện tiêu cực khác về mặt đạo đức của cán bộ lãnh đạo.
Thứ ba, chú trọng tự giáo dục và giáo dục đạo đức cách mạng, đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ lãnh đạo
Giáo dục là con đường cơ bản, phổ biến để hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết cho mỗi người chuẩn bị bước vào cuộc sống lao động và trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Việc chú trọng tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là biện pháp có ý nghĩa quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc tự giác hóa quá trình hình thành, phát triển đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh rằng đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, mà nó được củng cố và phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày. Vì vậy, cùng với sự quản lý, giáo dục thường xuyên của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự mình trau dồi, rèn luyện tu dưỡng các phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Thứ tư, nâng cao trình độ về các mặt, nhất là trình độ lý luận chính trị - hành chính của cán bộ lãnh đạo
Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ, đảng viên cần tổ chức nhiều hơn các đợt học tập, nâng cao trình độ chính trị - hành chính cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học. Để đạt hiệu quả cao, công tác này đòi hỏi ý thức tự giác học tập rèn luyện của mỗi người. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để khắc phục tình trạng yếu kém về đạo đức của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên thì việc tổ chức Đảng chăm lo đào tạo, bồi đưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất chính trị lẫn học vấn tri thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý là một việc làm quan trọng và cấp bách hiện nay.
Thứ năm, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo
Đạo đức cách mạng của cán bộ lãnh đạo nảy sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới qua hoạt động thực tiễn của họ. Cán bộ lãnh đạo là những người trực tiếp tiếp xúc với Nhân dân, giải quyết những vấn đề có liên quan đến lợi ích của Nhân dân và bản thân họ. Đạo đức của cán bộ lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào phẩm chất và năng lực tự giải quyết công việc của họ mà còn phụ thuộc vào quyền làm chủ của Nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, sự điều hành của chính quyền. Qua đó, cán bộ lãnh đạo đã khắc phục dần lối làm việc tuỳ tiện, cảm tính; gần gũi, sâu sát với Nhân dân hơn, lắng nghe ý kiến đúng đắn của Nhân dân, tiếp thu nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong việc xây dựng các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta; tệ quan liêu, độc đoán, cửa quyền giảm dần, niềm tin của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên ngày càng được củng cố. Điều đó góp phần làm ổn định trật tự ở địa phương, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với các cấp uỷ và các cơ quan lãnh đạo.
Thứ sáu, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực về đạo đức trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo
Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng đạo đức cách mạng. Vì vậy, thắng lợi của cách mạng không thể tách rời cuộc đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân.
Có thể nói, đạo đức là phẩm chất quan trọng của nhân cách, là nền tảng để xây dựng thế giới tâm hồn của mỗi con người. Dù ở thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo là trung tâm chú ý của các nhà lãnh đạo và Chính phủ. Bởi nghĩa vụ đạo đức không chỉ là sự đòi hỏi, yêu cầu đối với cá nhân mà còn là nhu cầu của sự tiến bộ, của sự hoàn thiện đối với bản thân mỗi người./.
Ths. Đào Minh Tuấn
Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải
Tài liệu tham khảo:
(1) PGS.TS. Ngô Thành Can, Đạo đức công chức trong thực thi công vụ, Nxb Tư pháp, 2018;
(2) Avinash K.Dixit, Bary J. Nalebuff, Tư duy chiến lược, Nxb Tri thức, HN.2007;
(3) HaroKoontz, Cyril Odonnell, Heinz Weihrich, Những vấn đề cốt yếu của quản lý, Nxb Khoa học và kỹ thuật, HN.2004;
(4) John P. Kotter, Dẫn dắt sự thay đổi, Nxb Lao động Xã hội, HN.2009;
(5) First News & Harvard Business School, Các kỹ năng quản lý hiệu quả, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2000;
(6) Vương Lạc Phu và Tưởng Nguyệt Thần (2000), Khoa học lãnh đạo hiện đại; Nxb Chính trị quốc gia.