Đúng 8h sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 18.
Đúng 8h sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 18.
Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Thị Nữ Y, Trương Thanh Huyền chủ tọa kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương... |
Đây là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVII (2016 - 2021) và là kỳ họp cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành các nghị quyết của HĐND với các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện năm đầu nhiệm kỳ 5 năm 2020 - 2025.
Đại biểu được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng họp
Trong thời gian diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân tỉnh nhà có ý kiến, kiến nghị, đề nghị liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng: 02393.853.032 hoặc gửi thư điện tử qua địa chỉ email của Tổ Thư ký kỳ họp: thuky.hdndht@hatinh.gov.vn. |
Xem xét, ban hành 21 nghị quyết
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh nghe các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch năm 2021.
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh cũng sẽ nghe các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, nội chính, văn hóa, xã hội.
Kỳ họp sẽ dành thời lượng khá lớn cho phần chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung cử tri đang quan tâm trên các lĩnh vực: Ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức đấu giá mỏ vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi; việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII sẽ xem xét, ban hành 21 nghị quyết, trong đó có 19 tờ trình, dự thảo nghị quyết chuyên đề.
Nhiều nội dung quan trọng sẽ được trình tại kỳ họp, tác động lớn đến đời sống xã hội như: quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh; các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh...
Tại phiên khai mạc sáng nay, HĐND tỉnh thực hiện quy trình kiện toàn các chức danh của HĐND và UBND tỉnh sau Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX.
Dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm góp phần vào thành công của kỳ họp
Diễn văn khai mạc do Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn trình bày khẳng định: Năm 2020, năm đầy ắp các sự kiện và năm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; thành công của đại hội các cấp tạo khí thế mới, đoàn kết thống nhất và niềm tin của Nhân dân với Đảng được củng cố, tăng cường.
Tuy vậy, Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch Covid-19 và lũ chồng lũ xảy ra trong tháng 10 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài sản, đời sống Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các địa phương trong cả nước; lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, với quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, Hà Tĩnh tiếp tục vượt qua thách thức.
Kỳ họp thứ 18 là lần thứ 2 HĐND tỉnh tiến hành "Kỳ họp không giấy"
“Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang dồn sức hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị năm 2020 và đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống và thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVII (2016 - 2021) và là kỳ họp cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành các nghị quyết của HĐND, do vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng” - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Để hoàn thành tốt nội dung, chương trình kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu phát huy cao dân chủ, trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân; tập trung nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia thảo luận và chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để kỳ họp đạt kết quả cao nhất.
Dịch Covid-19, mưa lũ ảnh hưởng nặng nề đến các chỉ tiêu KT-XH
Ngay sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng thông qua báo cáo về tình hình KT-XH năm 2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển năm 2021.
Báo cáo nhấn mạnh: Triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nắng nóng kéo dài, mưa lũ bất thường gây sạt lở đất, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid 19 và mưa lũ xảy ra trong tháng 10, nhưng một số ngành, lĩnh vực vẫn tăng trưởng khá.
Sản xuất nông nghiệp và thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đạt một số kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được tập trung chỉ đạo, số vốn đăng ký đầu tư vào địa bàn tăng so với năm trước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Hà Tĩnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đạt mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; giữ vững ổn định tình hình trong điều kiện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Công tác khắc phục lũ lụt được tập trung chỉ đạo; chủ trương làm nhà phục vụ chung cộng đồng cho Nhân dân tránh trú lụt, bão bước đầu được các cấp chính quyền quan tâm, được các tổ chức, cá nhân ủng hộ.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế như: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ năm 2016 lại nay; thu xuất nhập khẩu giảm mạnh, tổng thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, đặc biệt là huy động vốn FDI chỉ 30,5% kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu quan trọng khác.
“Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; năm tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh... Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng nhấn mạnh.
Dự kiến thực hiện cả năm có 9/15 chỉ tiêu đạt và vượt; 6/15 chỉ tiêu chưa đạt - 9 chỉ tiêu đạt và vượt: Tổng sản lượng lương thực (ước đạt 58 vạn tấn/kế hoạch 51 vạn tấn); giá trị sản xuất/đơn vị diện tích (ước đạt 90 triệu đồng/kế hoạch 90 triệu đồng); kim ngạch xuất khẩu (ước đạt 1,2 tỷ USD/kế hoạch 1,2 tỷ USD); tỷ lệ người dân tham gia BHYT (ước đạt 90%/kế hoạch 90%); tỷ lệ lao động qua đào tạo (ước đạt 70%/kế hoạch 70%); số giường bệnh/1 vạn dân (ước đạt 26 giường/kế hoạch 26 giường); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi (ước đạt 8,5%/kế hoạch 8,5%); tỷ lệ che phủ rừng (ước đạt trên 52%/kế hoạch 52%); tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom (ước đạt 95%/kế hoạch 95%). - 6 chỉ tiêu chưa đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (ước đạt 0,53%/kế hoạch 10,5-11%); thu ngân sách (ước đạt 12.210 tỷ đồng/kế hoạch 14.000 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội (ước đạt 26.128 tỷ đồng/kế hoạch 36.000 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo (ước đạt 3,51%/kế hoạch <3%); tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 78%/kế hoạch 83%); xây dựng nông thôn mới (ước đạt 15 xã về đích/kế hoạch 20 xã). |
Ổn định cân đối ngân sách địa phương trong điều kiện khó khăn
HĐND tỉnh nghe Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu - chi ngân sách, trong đó nêu rõ: Nhìn chung thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 chưa đạt dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao nhưng thu nội địa đã đạt và vượt tổng số giao đầu năm do phát sinh khoản thu ngoài dự toán của Formosa Hà Tĩnh và chênh lệch đánh giá lại tỷ giá của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I; góp phần ổn định cân đối ngân sách địa phương trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng toàn diện bởi đại dịch Covid-19.
Sau khi loại trừ khoản thu ngoài dự toán thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt 10.930 tỷ đồng, bằng 78% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó thu nội địa ước đạt 6.121 tỷ đồng, bằng 85% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó thu từ thuế, phí năm 2020 ước đạt 4.061 tỷ đồng, đạt 76% dự toán tỉnh giao.
Về chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển KT-XH, QPAN của địa phương; dự toán chi ngân sách đầu năm 17.993 tỷ đồng; thực hiện 11 tháng đạt 15.534 tỷ đồng, bằng 86% dự toán HĐND tỉnh giao; ước thực hiện cả năm 2020 chi ngân sách đạt 17.633 tỷ đồng, bằng 98% dự toán HĐND tỉnh giao.
Giải ngân đầu tư công bằng 74,8% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch năm 2021 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trình bày khẳng định: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020; UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công và giải ngân, phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020.
Theo đó, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 11 tháng đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch).
Báo cáo cũng đưa ra dự kiến tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 (chưa bao gồm vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG) là 6.821,612 tỷ đồng.
Đề nghị ban hành chính sách thay thế Nghị quyết số 156
Cũng trong buổi sáng, HĐND tỉnh nghe Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa báo cáo việc thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020; dự kiến tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2021. Theo đó, biên chế công chức hành chính được quy định tại Nghị quyết số 183/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh về việc thông qua kế hoạch biên chế công chức, viên chức, người lao động năm 2020 là 2.294 biên chế. So với kế hoạch giao năm 2020 (2.294 biên chế) còn 326 biên chế đã giao nhưng chưa sử dụng. Tổng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao năm 2020 là 27.116 biên chế. So với số biên chế giao năm 2020, còn 2.321 biên chế đã giao các đơn vị chưa sử dụng.
Năm 2021 được giao tổng 2.261 biên chế công chức, giảm 33 biên chế so với kế hoạch giao năm 2020, tỷ lệ giảm biên chế so với năm 2015 (giảm 257 biên chế so với 2015). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo giao: 26.530 (bằng biên chế Bộ Nội vụ dự kiến giao cho tỉnh Hà Tĩnh) giảm 586 biên chế so với Bộ Nội vụ giao năm 2020; tỷ lệ giảm so với biên chế năm 2015.
Giám đốc Sở Nội vụ cũng đã thông qua tờ trình quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.
Theo tờ trình dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND, UBND tỉnh đề nghị bổ sung phụ cấp cho 3 chức danh: thôn đội trưởng; nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình. Theo đó, chức danh thôn đội trưởng bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng và hưởng chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chức danh nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình hưởng mức phụ cấp bằng 0,5 mức lương cơ sở/tháng tại các xã vùng khó khăn và 0,3 mức lương cơ sở/tháng tại các xã còn lại theo quy định tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chức danh công an viên thôn, tổ dân phố thuộc diện hỗ trợ bồi dưỡng đặc thù theo chính sách của tỉnh bằng 0,5 lần mức lương cơ sở.
Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn
Theo tờ trình trình dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh do Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt trình bày, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách này đến hết năm 2021.
Đồng thời UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, tham mưu xây dựng chính sách cho giai đoạn mới đảm bảo phù hợp, phát huy hiệu quả; nghiên cứu tích hợp với nghị quyết về cơ chế, chính sách xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2021
HĐND tỉnh nghe các báo cáo hoạt động của các ngành chức năng
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu báo cáo hoạt động của ngành
Tiếp nối phiên làm việc buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, HĐND tỉnh nghe các báo cáo hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo tóm tắt của Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2020.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy báo cáo tại kỳ họp
Trình bày báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 18, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận được 435 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân. Trong đó, nội dung trọng tâm là mong muốn tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sác khắc phục thiệt hại sau lũ lụt; quan tâm hơn nữa đến cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo kinh phí hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Cuối phiên làm việc buổi sáng khai mạc, HĐND tỉnh tiến hành phiên họp nội bộ để bầu cử, miễn nhiệm các chức danh của HĐND, UBND tỉnh. Chiều nay, HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo kết quả phiên họp nội bộ của HĐND tỉnh; nghe các ban Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh trình bày các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp và tiến hành phiên thảo luận tổ.