Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó có Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.
Qua 01 năm thực hiện cho thấy, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, đặc biệt là đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp và giảm thiểu phiền hà, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.
Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình, phản ánh của DN với báo chí, ý kiến trao đổi của những cán bộ trực tiếp thanh tra, kiểm tra, dễ nhận thấy rằng, hoạt động thanh tra, đặc biệt là hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp, gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; còn tồn tại sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; nhiều DN hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung của Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí, có DN dựa vào Chỉ thị 20 để không hợp tác, chống đối đoàn thanh tra…
Ảnh minh họa
Từ vấn đề này, xin được làm rõ một số nội dung Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Thứ nhất, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ nhằm yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra và đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Thứ hai, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ quy định thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm đối với DN.
Đây là quy định có tính cụ thể của nguyên tắc hoạt động thanh tra trong Luật Thanh tra 2010, đó là: “Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”.
Để thực hiện quy định này, cơ quan thanh tra phải không để xảy ra tình trạng có cuộc thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN ngay từ khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán Nhà nước thì cơ quan thanh tra phải chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra cùng cấp, báo cáo cơ quan thanh tra cấp trên, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng tại DN đang có cuộc thanh tra hành chính hoặc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (Ví dụ: Về môi trường, về đất đai, về thuế, về an toàn vệ sinh thực phẩm…) nhưng cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành khác (Ví dụ: Về phòng cháy, chữa cháy, về bảo hiểm, về ngân hàng, về quy hoạch, xây dựng…) cũng có quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất do có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan đó. Trong trường hợp này, DN phản ánh về tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng thanh tra, kiểm tra, về thời gian thanh tra, kiểm tra… là đúng. Nhưng, cơ quan thanh tra chuyên ngành vẫn được tiếp tục thực hiện việc ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra sẽ xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm và xử lý trách nhiệm có liên quan, việc ban hành quyết định thanh tra nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật và tính kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước của ngành, lĩnh vực đó.
Việc này của cơ quan thanh tra là thực hiện đúng quy định tại Điều 38, đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra các cấp của Luật Thanh tra 2010, đúng quy định tại Điều 3 và Điều 15 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Với trường hợp này, cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phối hợp với nhau, hạn chế tối đa cản trở đến hoạt động bình thường của DN (Ví dụ: Có thể kết hợp thành đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành không, cần có kế hoạch làm việc khoa học, hợp lý; có phương pháp làm việc thích hợp theo điều kiện hoàn cảnh của đơn vị; nếu có nội dung hay hồ sơ, tài liệu trùng lặp cần thống nhất để kế thừa…), đồng thời, phải giải thích rõ lý do, căn cứ quy định pháp luật về việc ban hành, triển khai Quyết định thanh tra, kiểm tra đó và yêu cầu DN nghiêm túc thực hiện.
Thứ ba, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.
Việc cơ quan thanh tra, cán bộ thanh tra để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra là vi phạm quy định tại Điều 7, vi phạm các quy định của Luật Thanh tra 2010 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ và chánh thanh tra các cấp (bộ, tỉnh, sở), sẽ bị xem xét xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo hoặc kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng trùng lặp, chồng chéo thì thủ trưởng cơ quan thanh tra cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của mình. Việc này không chỉ tăng cường kiểm tra, theo dõi qua các văn bản xin ý kiến chỉ đạo của thanh tra cấp dưới khi gặp vấn đề chồng chéo, qua báo cáo của cơ quan thanh tra cấp dưới, qua định kỳ kiểm tra công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác năm của thanh tra cấp dưới, mà cần phải là tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan các cấp trong việc chấp hành các quy định pháp luật thanh tra, trong đó có nội dung thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, trong chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra cần yêu cầu chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp ngay tại giai đoạn chuẩn bị thanh tra (Ví dụ: Khi thu thập thông tin, hồ sơ tài liệu để nắm tình hình, khi xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra, kiểm tra báo cáo cần làm rõ có cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, điều tra trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời kỳ, thời gian thanh tra, kiểm tra…).
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, thủ trưởng cơ quan thanh tra cần tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc việc thực hiện để rút ra bài học, tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị này và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hạn chế trùng lắp và chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại hội nghị tổng kết ngành Thanh tra tháng 1/2018: “… Ngành đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, đặc biệt là xây dựng đội ngũ thanh tra “liêm chính, bản lĩnh, trung thành”. Ngành Thanh tra phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Ngành phải là trụ cột, tiên phong và gương mẫu trong việc thực hiện 2 mục tiêu quan trọng Chính phủ đề ra: “Kỷ cương, kỷ luật và phòng, chống tham nhũng””./.
TS. Trịnh Văn Toàn
Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra