Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra và cán bộ thanh tra đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 6/2/1961, Người đã khẳng định: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng, nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ... Cấp lãnh đạo các bộ, các ngành, các cấp nhất định phải có cơ quan thanh tra của mình để theo dõi công tác ngay từ đầu, kịp thời uốn nắn sửa chữa sai lầm thiếu sót có thể xảy ra, đồng thời phải trực tiếp chỉ đạo cơ quan thanh tra của mình”.
Nhận thức sâu sắc vấn đề nêu trên, trong những năm qua Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến công tác thanh tra, hệ thống pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng từng bước hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của ngành thanh tra ngày càng hiệu quả. Ngành Thanh tra đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và kiến nghị với các ngành, các cấp hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Thanh tra Công an nhân dân nói chung và thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân nói riêng.
Thực hiện quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/05/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân, hoạt động thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân được xác định là một trong những chức năng cơ bản của Thanh tra Công an nhân dân thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước. Trong những năm qua, lực lượng Thanh tra Công an nhân dân đã chủ động tham mưu, đề xuất giúp cho Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương được giao trách nhiệm thanh tra chuyên ngành lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tiến hành thanh tra các lĩnh vực còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, như: phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ bí mật nhà nước; thi hành án hình sự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài;…
Theo đó, từ năm 2005 đến nay, thực hiện hướng dẫn của Bộ Công an và lãnh đạo Công an các cấp, Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành triển khai 219 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại 1.395 Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; 277 cuộc thanh tra chuyên đề về bảo vệ bí mật nhà nước với 3.361 đối tượng thanh tra; 122 cuộc thanh tra chuyên ngành về thi hành án hình sự; 125 cuộc thanh tra chuyên ngành về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với Công an các đơn vị, địa phương và Ủy ban nhân dân các cấp; 99 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 241 UBND cấp huyện, 970 UBND cấp xã và Công an xã về việc thực hiện các quy định của pháp luật về Công an xã;… Đối với lĩnh vực về phòng, chống ma túy, năm 2015, 2017 Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Tổng cục Cảnh sát tiến hành thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống ma túy đối với 9 tỉnh: Yên Bái, Nghệ An, Long An, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu đối với 96 đơn vị, cơ sở. Kết luận cũng đưa ra 42 kiến nghị đối với UBND cấp Tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn Công an các địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề này. Thực hiện Hướng dẫn của Thanh tra Bộ, có 57/57 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra (06 Công an tỉnh không thanh tra chuyên đề này vì Đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành) đưa ra 915 kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Đối với lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, Công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành 25 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 684 chủ cơ sở các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Kết quả thanh tra đã đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành, chỉ ra những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, sai phạm và khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành pháp luật kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đồng thời, đưa ra 02 nhóm kiến nghị đối với UBND cấp tỉnh và 04 kiến nghị đối với Bộ Công an, như: Kiến nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh (nơi thành lập Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy) nghiên cứu phối hợp xây dựng quy chế trong công tác quản lý nhà nước về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an toàn, trật tự, việc cấp phép theo hướng tập trung vào một đầu mối; Quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị nghiệp vụ Công an các cấp trong công tác quản lý đối với cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tránh chồng chéo, trùng lắp, thiếu tập trung thống nhất trong hoạt động kiểm tra, hướng dẫn. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác Phòng cháy chữa cháy, đề nghị ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, trong đó quy định cụ thể diện tích, điều kiện về kho bảo quản tài sản nhận cầm đồ, điều chỉnh quy định tiêu chuẩn về trình độ học vấn đối với nhân viên bảo vệ, bổ sung chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không đảm bảo duy trì đủ số vốn pháp định trong suốt quá trình hoạt động… Kết quả thanh tra chuyên ngành trong thời gian qua đã đánh giá đúng ưu điểm, phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, vi phạm, sơ hở, thiếu sót, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Công an nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân nói chung và lực lượng trực tiếp hoạt động thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân nói riêng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra chuyên ngành mặc dù có sự phát triển cả về lượng và chất so với trước, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ một số cán bộ mới được bổ sung còn thiếu kinh nghiệm thực tế và khả năng nghiên cứu, tổng hợp mang tính chiến lược.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật quy định về hoạt động, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất, một số lĩnh vực giao cho Bộ Công an giúp Chính phủ quản lý nhà nước chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể nên việc triển khai gặp rất nhiều nhiều khó khăn. Việc xây dưng hệ thống lý luận, nghiệp vụ về hoạt động thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân tuy đã được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong phạm vi toàn Ngành cũng chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới dừng lại ở các báo cáo tổng kết thanh tra từng chuyên đề cụ thể.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng thanh tra Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới, trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra Công an nhân dân nói chung và lực lượng thanh tra chuyên ngành nói riêng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có đạo đức, lối sống trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, công tâm, khách quan; ứng xử có văn hóa, có tác phong chính quy; ngăn chặn và loại trừ những biểu hiện thoái hóa, tiêu cực trong nội bộ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi cán bộ Thanh tra Công an nhân dân nắm vững đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức, tình cảm, niềm tin với Đảng, với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lực lượng Công an nhân dân.
Công tác chính trị, tư tưởng phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả gắn với việc thực hiện khẩu hiệu hành động của lực lượng Công an nhân dân năm 2017 “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” và việc triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Công an nhân dân giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”; tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới và đặc biệt là cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Hai là, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, Thủ trưởng Công an các cấp, các đơn vị đối với hoạt động Thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân; cấp ủy, lãnh đạo Thanh tra Công an các cấp cần có biện pháp phù hợp để quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, phòng ngừa, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sai phạm; đồng thời có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần; quan tâm trang bị phương tiện, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hết lòng, hết sức cống hiến cho ngành, cho đơn vị.
Ba là, chú trọng bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác thanh tra chuyên ngành, từ đó thực hiện tốt công tác theo dõi, nắm bắt, đánh giá, dự đoán đúng tình hình có liên quan tới sự phát triển của đất nước, sự chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự trong từng thời kỳ ở từng lĩnh vực, từng vùng miền, đối tượng cụ thể và tổ chức nghiên cứu kỹ, cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan. Đây là cơ sở thực tế và pháp lý để tham mưu cho lãnh đạo lựa chọn đúng vấn đề, đối tượng và thời điểm để tiến hành thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng những lĩnh vực xã hội đang quan tâm..., nhưng không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được thanh tra, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự.
Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ Thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn. Thực hiện tốt kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, nhất là thực tế công tác và trình độ chuyên môn cao đối với các lĩnh vực cần thanh tra. Bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, phát huy cao nhất năng lực, sở trường của cán bộ, trọng tâm là tăng cường, bổ sung những cán bộ có trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cho Thanh tra Bộ, Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương, đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ./.
Ths, Trung tá Lê Thị Hạnh
PTP Phụ trách phòng Thanh tra chuyên ngành
Thanh tra Bộ Công An