Nói về người Xứ Nghệ trên đất Thăng Long, dẫu chỉ thu hẹp dưới góc nhìn văn hóa, văn chương, học thuật, nghệ thuật, tôi không thể không nói đến Hồ Chí Minh như là một tên tuổi đẹp nhất, là người Việt Nam nhất, trước khi trở về với gốc gác Xứ Nghệ...
Là người từng viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Ngục trung nhật ký (1943), rồi viết và đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945; dẫu đã rời quê ngót 40 năm, nói thông thạo nhiều thứ tiếng, Bác vẫn không quên âm sắc và ngữ điệu Xứ Nghệ.
Khuê Văn Các - Biểu tượng của Thăng Long ngàn năm văn hiến
Tôi muốn từ điểm nhìn bao quát này để soi vào môi trường nghề nghiệp của tôi, nơi có những người từng là thầy ở bậc đại học, rồi là thủ trưởng của một đơn vị công tác - đó là Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội, có trụ sở tại 20 Lý Thái Tổ. Một là Đặng Thai Mai (1902-1984) và hai là Hoài Thanh (1909-1982). Cả hai, tôi đều may mắn được đọc trước khi được học, được tiếp xúc khi rời quê ra Hà Nội trúng tuyển vào Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa I (1956-1959). Cả hai đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm là Giáo sư Văn khoa Đại học trong Sắc lệnh số 45, ký ngày 10/10/1945, cùng với các vị Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên... Như vậy là ở chặng kết thúc tuổi học đường, tôi có vinh dự là trò của hai vị và mở đầu con đường lập nghiệp, cả hai vị trở thành thủ trưởng của tôi, khi Viện Văn học được thành lập năm 1959, năm tôi ra trường và được phân công về Viện.
Những năm công tác ở Viện, với Viện trưởng Đặng Thai Mai và Phó Viện trưởng Hoài Thanh là những năm tôi được dẫn dắt những bước đi đầu tiên trên con đường nghề nghiệp; để được hiểu thế nào là sự uyên bác và sự tinh tế trong thẩm định văn chương; thế nào là tư chất học giả và phẩm cách đích thực của người nghiên cứu - phê bình. Hai người lãnh đạo Viện, trong vị trí sáng lập cũng là hai người có chung trách nhiệm lãnh đạo Hội Văn hóa Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam, ở hai cương vị Chủ tịch và Tổng Thư ký của hội qua nhiều nhiệm kỳ, từ sau 1945 ở chiến khu Việt Bắc và từ sau 1954, có trụ sở ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Với thời kỳ đầu mà tôi muốn gọi “thời hoàng kim” của Viện Văn học, dưới sự lãnh đạo của Đặng Thai Mai và Hoài Thanh, với dàn chuyên gia sáng lập gồm những tên tuổi nổi danh như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mai, Nam Trân, Hà Văn Đại và tiếp sau là Nam Mộc, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, Cao Huy Đỉnh… thế hệ sinh viên như tôi có được một may mắn lớn so với các thế hệ đến sau, đó là được trở thành người học việc, rồi là đồng nghiệp của họ. Và tôi nghĩ, nếu sau này, tôi có chút kết quả gì được gọi là sự nghiệp thì có lẽ một phần chính vì mình đã được sống và làm việc trong khí quyển của những ngày đầu thành lập viện.
Bên cạnh hai bậc thầy và dàn sáng lập như trên là những bậc đàn anh đồng hương tôi quý mến, trong đó, Hoàng Trung Thông (1925-1993) có 10 năm (1975-1985) là Viện trưởng của tôi. Nhà thơ - Viện trưởng vào một thời khó khăn của đất nước, sau chiến tranh. Giữ vững cho nghiên cứu, phê bình phải là một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ, ông vẫn không quên tư cách nhà thơ của mình. Từ Bài ca vỡ đất trong chống Pháp đến Mời trăng vào cuối đời - đó là quá trình Hoàng Trung Thông trở về với cốt cách một nhà thơ, vừa rất ưu thời mẫn thế lại vừa như muốn nhờ vào rượu và trăng để thoát đời với những u uẩn bên trong khó nói thành lời. Hình ảnh ông với râu tóc lòa xòa, bạc trắng trên con đường từ nhà riêng ở cuối phố Ngô Quyền, lững thững, rồi khật khưỡng đến cơ quan 20 Lý Thái Tổ - tôi còn lưu giữ mãi trước khi ông qua đời ở tuổi 68…
Sau Hoàng Trung Thông là nhiệm kỳ Viện trưởng 3 năm (1976-1978) của Giáo sư Hồ Tôn Trinh (1920-2011), từng là Ty trưởng Ty Văn hóa Hà Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp, sau này trở thành chuyên gia về văn học phương Tây và lý luận văn học ở Việt Nam. Vậy là riêng ở địa chỉ Viện Văn học, có một lịch sử liên tục 4 đời Viện trưởng là người Xứ Nghệ trong suốt thời gian 35 năm, kể từ 1960 khi “cặp đôi” Đặng Thai Mai - Hoài Thanh được các cấp trên giao sứ mệnh xây dựng Viện Văn học, đến 1995, khi tôi kết thúc nhiệm kỳ Viện trưởng 7 năm được dân bầu và trên cử…
Người Xứ Nghệ vừa với cốt cách riêng, vừa hòa chung và làm nên cốt cách Hà Nội - Thủ đô, trong những bổ sung và hô ứng cho nhau, trên cả hai chiều, ngược về trước và lùi về sau, trong giới nghề nghiệp của tôi, đó là Trần Trọng Kim (1882-1953) và Lê Thước (1891-1975); Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) và Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993); Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) và Nguyễn Khắc Viện (1913-1997); Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) và Trương Chính (1916-2004); Xuân Diệu (1916-1985) và Huy Cận (1919-2005)… những tên tuổi đã rất quen thuộc trong đời sống văn chương học thuật dân tộc.
Đây là những tên tuổi trong phạm vi hiểu biết và quen thuộc của tôi, một người nghiên cứu - phê bình văn học. Tôi không dám hoặc chưa thể mở rộng ra những lĩnh vực ở ngoài tầm hiểu biết, để đến với tất cả những người cùng thời, hoặc là các bậc thầy, bậc cha chú, hoặc là lớp đàn anh mà tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ như Nguyễn Phan Chánh, Điềm Phùng Thị ở lĩnh vực nghệ thuật; Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái ở lĩnh vực Toán - Lý; Trần Vĩnh Diệu ở lĩnh vực Hóa học; Võ Quý, Phan Nguyên Hồng ở lĩnh vực Sinh học; Phạm Khắc Quảng, Lê Kinh Duệ, Phạm Song, Nguyễn Thị Kim Tiến ở lĩnh vực Y học; Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Chương Thâu ở lĩnh vực Sử học. Còn về nghiên cứu văn học và ngôn ngữ phải kể thêm: Hoàng Xuân Nhị, Lê Khả Kế, Hoàng Trinh, Hà Xuân Trường, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi…
Ở đây, tôi chưa nói đến lĩnh vực sáng tác gồm các nhà văn, nhà thơ Xứ Nghệ là một danh sách rất đông đúc, chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; chỉ riêng địa chỉ số 4 Lý Nam Đế đã có hẳn một tên riêng là Văn Đội Quân Nghệ…
Nhiều người đi mà thành đường. Tôi thuộc lớp học trò và hậu sinh cũng cứ nương theo các bậc tiền nhân để tìm đến sự hòa quyện và hội nhập giữa quê sinh và quê ở…
Cuối 2009, trong Lời đầu cuốn sách Viết từ Hà Nội được Nhà Xuất bản Hà Nội ấn hành, tôi viết: “Trong chuẩn bị đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi - một công dân có thời gian cư ngụ ở Hà Nội hơn 50 năm và cũng có ngót bấy nhiêu năm học hỏi và theo đuổi nghề viết - không khỏi xúc động nghĩ: Nếu mình không ở Hà Nội, không có những tên tuổi mình từng quý mến, ngưỡng mộ sống và viết ở Hà Nội, không có thầy và bạn ở Hà Nội, không có môi trường văn hóa và bầu không khí Hà Nội, không có những đam mê và quyến rũ Hà Nội… nhất định sẽ không có những trang viết nói hộ cho tôi biết bao điều trong một công việc mà tôi đã chung thủy với nó hơn 50 năm đã qua”.
Nói về người Xứ Nghệ lập nghiệp ở Hà Nội, chỉ riêng lĩnh vực văn chương - nghệ thuật cũng đã là cả một danh sách dài, mà một số tên tuổi tôi đã nêu trên chỉ là một vài dẫn chứng trong phạm vi rất hẹp ở sự quen biết của tôi. Tôi muốn qua họ để hiểu tác động giữa hai chiều, quê sinh và quê ở, mỗi quê có một vai trò riêng, một vị trí riêng và trong từ trường đó, qua kiểm nghiệm của bản thân, tôi cũng muốn được là một minh chứng nhỏ, đó là: sự lập nghiệp và làm nên sự nghiệp của nhiều lớp người ở nhiều nơi, trong đó có người Xứ Nghệ trên đất Thăng Long, với câu trả lời chắc chắn sẽ là: Phải có nguồn sáng của văn minh, văn hóa Thủ đô mới có thể phát lộ và phát huy hết tiềm năng của họ, để đưa họ từ là người trí thức của một xứ quê trở thành người của công chúng trong cả nước và góp phần làm nên một cái tên chung: Kẻ sĩ Bắc Hà bao gồm không chỉ địa giới Bắc bộ mà là cả Bắc Trung bộ.
GS Phong Lê