Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào các khoản thu nhập chịu thuế, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý liên quan đến quá trình tạo ra TNDN. Ngoài các doanh nghiệp thông thường, thuế TNDN cũng được điều chỉnh để mở rộng khoản thu đối với hợp tác xã. Tuy nhiên, đây cũng là sắc thuế khó quản lý, dễ gây thất thu lớn, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế nói chung, trốn thuế, gian lận thuế nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn vô cùng tinh vi, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc nhận diện các doanh nghiệp có nguy cơ, nắm bắt các hành vi, cách thức trốn thuế, gian lận thuế TNDN nhằm đề ra các giải pháp phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi, cách thức vi phạm là vô cùng cần thiết.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào các khoản thu nhập chịu thuế, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý liên quan đến quá trình tạo ra TNDN. Ngoài các doanh nghiệp thông thường, thuế TNDN cũng được điều chỉnh để mở rộng khoản thu đối với hợp tác xã. Tuy nhiên, đây cũng là sắc thuế khó quản lý, dễ gây thất thu lớn, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế nói chung, trốn thuế, gian lận thuế nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn vô cùng tinh vi, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy, việc nhận diện các doanh nghiệp có nguy cơ, nắm bắt các hành vi, cách thức trốn thuế, gian lận thuế TNDN nhằm đề ra các giải pháp phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi, cách thức vi phạm là vô cùng cần thiết.
Từ điển Cambridge đưa ra định nghĩa về trốn thuế như sau: “Trốn thuế là những cách thức bất hợp pháp mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng để giảm số thuế phải nộp”.
Theo từ điển Tiếng Việt “gian lận là hành vi cố ý lừa dối, giấu diếm, xuyên tạc sự thật với mục đích tư lợi”. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240 “gian lận là những hành vi cố ý làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong hội đồng quản trị, ban giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện, làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính”.
Từ đó có thể hiểu hành vi gian lận thuế TNDN là hành vi thiếu trung thực, cố ý làm sai lệch thông tin liên quan đến việc tính thuế TNDN để không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế TNDN được ưu đãi, miễn giảm.(*)
Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Tuy nhiên về bản chất, hầu hết các cách thức gian lận, trốn thuế thu nhập này có điểm chung là đều dựa trên nguyên tắc giảm tối đa thu nhập chịu thuế so với thu nhập thực tế thông qua làm giảm doanh thu hoặc tăng chi phí hoặc cả hai khi thực hiện kê khai thuế. Tiêu biểu như một số nhóm hành vi sau: Nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến việc nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế; nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp; nhóm các hành vi liên quan đến việc ghi chép sai lệch, không đầy đủ, chính xác các nghiệp vụ kinh tế phát sinh từ sổ kế toán…
Tổng cục Thuế cần tăng cường thu thập thông tin liên quan đến trốn thuế để xử lý theo quy định. Ảnh: PV&BT
Một số hành vi cụ thể có thể kể ra như:
- Thành lập doanh nghiệp “ma”. Doanh nghiệp “ma” là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng thực tế không sản xuất kinh doanh, chỉ nhằm mục đích đủ điều kiện để được phát hành hoá đơn, từ đó bán hóa đơn cho các đối tượng khác hoặc trung gian lập hoá đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế. Mức độ thiệt hại do những hoá đơn trôi nổi này gây ra rất khó kiểm soát, hoàn toàn phụ thuộc vào số chi phí đầu vào cần hợp thức hoá của doanh nghiệp mua bán hoá đơn. Dẫn lại báo cáo đánh giá phân tích tài chính của doanh nghiệp dân doanh năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020 gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết một số vấn đề bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp dân doanh sau đăng ký thành lập. Trong năm 2019, toàn quốc có hơn 77 nghìn doanh nghiệp dân doanh chấm dứt hoạt động. Theo đó, số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là gần 50 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 64,61%. Các doanh nghiệp này thường có hành vi vi phạm là không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, doanh nghiệp “ma” ra đời nhằm mục đích mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật. Sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.
Tình trạng này xảy ra chủ yếu do quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Khoản 2, Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cụ thể 7 nhóm đối tượng không có quyền thành lập và điều hành doanh nghiệp nhưng trong Điều 19 đến Điều 23 về hồ sơ đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp lại không đòi hỏi những điều kiện gì để chứng minh người đăng ký kinh doanh không thuộc 7 nhóm đối tượng trên. Như vậy, sơ hở đầu tiên của thủ tục lập doanh nghiệp là không có quy định về “bộ lọc”, hay nói cách khác là không có kiểm tra nhân thân người đứng tên lập doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, giám đốc điều hành doanh nghiệp. Trong thực tế, khai thác được sơ hở ấy, những kẻ có ý định lừa đảo hay làm ăn gian dối đã mướn những tên tội phạm, những người tâm thần, người đang ở tù, người nghiện ma tuý v.v... để đứng tên lập doanh nghiệp, đứng tên làm giám đốc, làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Khi sự việc vỡ lở, cơ quan pháp luật không tìm được những người này, hoặc có đưa họ ra toà cũng khó xử được vì theo pháp luật họ là những người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22, 24 Bộ Luật Dân sự 2015).
- Doanh nghiệp tìm cách tăng giá vốn hàng bán, nhất là các doanh nghiệp được hưởng chiết khấu do mua hàng với số lượng lớn; giá vốn sai còn do xác định giá trị sản phẩm dở dang, cũng như giá trị hàng tồn kho không đúng. Có doanh nghiệp vừa và nhỏ trên bảng xuất – nhập – tồn thời điểm cuối năm (ngày 31/12) không có hàng tồn kho nhưng vẫn xuất bán hàng hóa. Một số doanh nghiệp không đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ (kể cả giá trị xây lắp), không phân bổ chi phí thu mua cho hàng tồn kho, chi phí công cụ, dụng cụ mà kết chuyển hết vào chi phí trong kỳ, nhằm tối đa giá vốn.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, giá vốn còn được nâng lên qua thủ thuật xây dựng định mức vật tư cho một đơn vị sản phẩm cao hơn thực tế, nhằm làm tăng chi phí nguyên vật liệu, hoặc không xây dựng định mức vật tư hạch toán chi phí tiêu hao nguyên vật liệu cho sản xuất vượt định mức do lợi dụng những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tự xây dựng và quyết toán định mức, vì hiện nay chỉ một vài ngành là có định mức sản xuất như: Xây dựng, cầu đường, xăng dầu, dệt may… còn lại phần lớn chưa có định mức chung. Việc gian lận về giá nguyên vật liệu “kín đáo” hơn khi doanh nghiệp vừa và nhỏ thỏa thuận với nhà cung cấp nâng báo giá nguyên vật liệu đầu vào (hóa đơn đúng như báo giá); trong khi đó nguyên liệu cùng loại có giá thị trường thấp hơn nhiều.
- Chuyển giá trong các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI: Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản. Hình thức chuyển giá phổ biến của nhiều công ty đa quốc gia là đặt công ty mẹ ở quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, rồi mua bán hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào với công ty con tại Việt Nam với giá cao. Giá nguyên liệu đầu vào cao, không ít doanh nghiệp còn tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại) để “không có lãi nộp thuế” tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường khai giá chi phí đầu vào cao bất thường. Như Coca Cola khai giá hương liệu đầu vào nhập từ công ty mẹ cao hơn so với nguyên liệu của công ty giải khát trong nước, đẩy mạnh các chi phí quảng cáo…nên gần 20 năm qua doanh nghiệp này luôn báo lỗ. Tháng 2/2021, Tổng cục Thuế cũng đã bác khiếu nại của doanh nghiệp này và yêu cầu chấp hành quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế với số tiền hơn 821 tỷ đồng do vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường tăng chi phí bằng cách quảng cáo, khuyến mại và tận dụng việc này để tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ, để “tiêu” hết lợi nhuận, không phải nộp thuế.
Để khắc phục tình trạng gia tăng các hành vi trốn thuế, gian lận thuế TNDN hiện nay, vai trò quản lý thuế của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vô cùng quan trọng. Chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp đề xuất nhằm tăng vai trò của cơ quan quản lý thuế như sau:
- Bám sát, triển khai đầy đủ, kịp thời chương trình công tác, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính; triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo đúng chính sách, chế độ; công khai, minh bạch và công bằng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng và phát triển bền vững nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tăng cường rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.
- Hoàn thiện chính sách thuế nói chung và các văn bản pháp luật về thuế nói riêng, đảm bảo có được hệ thống thuế thống nhất, phù hợp, đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách; quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong nền kinh tế vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng, tăng thu nhập của dân cư. Cần nghiên cứu, khảo sát thực tế hệ thống thuế trong và ngoài nước nhiều hơn nữa để xây dựng được hệ thống thuế đạt yêu cầu: Công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế và đối tượng nộp thuế.
- Nghiên cứu xây dựng Luật Kế toán thuế riêng và cụ thể hóa các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để hạch toán thuế, nghiệp vụ được miễn giảm thuế, nghiệp vụ khấu trừ giá trị thuế giá trị gia tăng và quy định chi tiết các loại hàng hóa dịch vụ được tính thuế, khấu trừ thuế, hạch toán thuế để các kế toán khi hạch toán không hiểu nhầm, không hạch toán sai, đổ lỗi không hiểu biết…
- Nhanh chóng áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ để chấm dứt tình trạng mua bán trái phép hóa đơn.
- Đẩy mạnh thực hiện việc chi tiêu, thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc kho bạc, tiến tới không sử dụng tiền mặt thanh toán cho việc mua bán hàng hóa. Ban hành quy chế thanh toán giữa các doanh nghiệp qua ngân hàng để ngân hàng và cơ quan thuế phối hợp với nhau trong việc kiểm soát nguồn gốc các hoạt động thanh toán qua các hệ thống của ngân hàng.
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về trốn thuế, gian lận thuế. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp báo lỗ triền miên; doanh nghiệp có số nợ thuế lớn; doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra (về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu…); doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế… Các lĩnh vực thanh tra tập trung vào: Chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản.
- Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức rà soát các hồ sơ khai thuế đối với các doanh nghiệp mới thành lập, nhất là doanh nghiệp có đại diện pháp lý là người địa phương khác; doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro như khai thác đất đá, cát sỏi, khoáng sản để hạn chế các hình thức trốn thuế thông qua thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
- Trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tăng cường thu thập thông tin liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế từ nguồn đơn thư tố cáo, từ các cơ quan truyền thông, từ các cơ quan quản lý Nhà nước khác như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với các cơ quan này xây dựng, đề xuất Chính phủ cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết các vấn đề chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các tập đoàn đa quốc gia phát triển theo những giá trị riêng biệt và có những biến động khó lường, khác biệt với hoạt động kinh doanh giữa các bên độc lập. Qua đó, đảm bảo việc xác định giá chuyển nhượng phù hợp với nơi giá trị được tạo lập và hoạt động kinh tế phải được đánh thuế tại nơi mà nó diễn ra hoạt động thực chất.
- Thực tế có không ít vụ việc trốn thuế, gian lận thuế có “bóng dáng” của công chức ngành thuế bằng việc bao che, tiếp tay, thông đồng với doanh nghiệp, do đó, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi trong khi thi hành công vụ; tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
- Tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận bởi các biện pháp đơn phương và song phương không khả thi do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp; cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Mai Dung
Khoa Luật, Học viện Ngân hàng
Ths. Ngô Đăng Tân
Tạp chí Thanh tra
Chú thích:
(*) Nguyễn Đăng Nguyên, “Một số giải pháp hạn chế hành vi gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn quận 5”.