Ảnh minh họa
(ThanhtraHatinh) - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2013 và thay thế Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 (được sửa đổi,bổ sung tại Thông tư 01/2010/TT-TTCP ngày 22/01/2010) của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về Minh bạch tài sản, thu nhập.
Thông tư 08 gồm 6 chương với 36 điều, hướng dẫn cụ thể 06 nội dung về (1) Kê khai tài sản, thu nhập; (2) Công khai bản kê khai; (3) Xác minh tài sản, thu nhập; (4) Chế độ thông tin, báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập; (5) Xử lý vi phạm; (6) Tổ chức thực hiện. Để cán bộ, công chức thanh tra viên có điều kiện tiếp cận nghiên cứu áp dụng đúng các nội dung của Thông tư đã, chúng tôi xin giới thiệu nhữngng nội dung cơ bản của Thông tư 08, cụ thể như sau:
1. Thông tư hướng dẫn cụ thể 9 loại tài sản, thu nhập phải kê khai:
1.1. Các loại nhà, công trình xây dựng: Nhà ở, công trình xây dựng khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; nhà ở, công trình xây dựng khác thuộc quyền sở hữu trên thực tế của người phải kê khai, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác; nhà ở, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.
1.2. Các quyền sử dụng đất: quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
1.3. Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
1.4. Ôtô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tàu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
1.5. Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
1.6. Các loại tài sản khác có giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ...
1.7. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
1.8. Các khoản nợ gồm các khoản phải trả, giá trị các tài sản quản lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
1.9. Tổng thu nhập trong năm quy đổi thành tiền Việt Nam gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác.
Thông tư cũng quy định, phải kê khai các loại nhà ở, công trình xây dựng, các quyền sử dụng đất khi tăng, giảm về số lượng, diện tích hoặc thay đổi về cấp nhà, công trình, loại đất so với kỳ kê khai trước đó.
Đồng thời, các loại nhà, công trình xây dựng; các quyền sử dụng đất có biến động tăng thì người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Các loại tài sản tăng, giảm về số lượng hoặc thay đổi về chủng loại với mức giá trị tăng, giảm mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên so với kỳ kê khai trước đó cũng phải kê khai như: tiền; ôtô, mô tô, xe máy, tàu thủy, tàu bay, thuyền; kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp kinh doanh; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; các khoản nợ...
2. Về mẫu biểu kê khai tài sản: đề tạo điều kiện thuận lợi trong kê khai, công khai đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, khác với Thông tư 2442 và Thông số 01 trước đây, Thông tư số 08 lần này chỉ hướng dẫn duy nhất 01 mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập cho mọi đối tượng phải kê khai, lược bỏ bản kê khai lần đầu và mầu kê khai bổ sung. Việc tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm đây là điểm mới được thực hiện theo các tiêu chí quy định trong biểu mẫu bản kê khai .
3.Về thời gian kê khai: Điều 3 của Thông tư quy định kỳ kê khai tổng thu nhập trong năm được xác định lần kê khai đầu tiên thì tổng thu nhập được tính từ ngày 1 tháng 1 năm đó đến ngày kê khai. Lần kê khai thứ hai trở đi được xác định từ ngày tiếp theo của kỳ kê khai liền kề trước đó đến ngày kê khai. Năm 2013, kỳ kê khai tổng thu nhập được tính từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 đến ngày kê khai.
4. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, kỳ kê khai để xác định biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trên cơ sở: Đối với lần kê khai đầu tiên được xác định từ ngày 1 tháng 1 năm đó đến ngày kê khai; lần kê khai thứ hai trở đi được xác định từ ngày kê khai của kỳ kê khai liền kề trước đó đến ngày kê khai. Riêng năm 2013, kỳ kê khai tài sản để giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm được tính từ ngày 1/2/2013 (thời điểm Luật số 27/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực) đến thời điểm kê khai.
Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12 hằng năm.
5. Về công khai bản kê khai TSTN cá nhân:`Về nguyên tắc công khai, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, phân tán thì công khai trong phạm vi hẹp hơn. Hàng năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ phải xây dựng, trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt kế hoạch công khai bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Việc niêm yết bản kê khai TSTN được áp dụng trong điều kiện cơ quan, đơn vị có vị trí niêm yết đảm bảo an toàn, không làm mất, rách, nát và đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, đơn vị có thể xem các bản kê khai. Thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Căn cứ xác minh TSTN là khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm, kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong xác minh dẫn đến nội dung kết luận về sự minh bạch không chính xác hoặc có bao che, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xác minh lại. Trước khi tiến hành xác minh lại, cơ quan tiến hành xác minh lại phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ xác minh trước đó. Thời hạn xác minh lại là 20 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc.
Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ sau khi hoàn thành việc kiểm tra Bản kê khai quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư này đến ngày 31 tháng 3 hàng năm.Người tổ chức việc kê khai, việc công khai chậm; người kê khai, giải trình chậm; người tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch TSTN chậm so với thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật. Trong đó, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người thực hiện chậm trên 15 ngày đến 30 ngày
6. Về thưc hiện Báo cáo hàng năm về minh bạch tài sản, thu nhập
6 1 Nội dung báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm bao gồm: tình hình chỉ đạo, triển khai, tổ chức và kết quả thực hiện việc kê khai, công khai, xác minh, xử lý vi phạm (nếu có) của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm trước tới ngày 31 tháng 03 năm sau.
Văn bản báo cáo gồm phần lời và số liệu kèm theo được trình bày theo mẫu Báo cáo kèm theo Thông tư này (Phụ lục IV).
6.2. Thời hạn hoàn thành báo cáo hàng năm quy định như sau:
a) Chậm nhất ngày 10 tháng 4 hàng năm, cơ quan, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai phải hoàn thành báo cáo về việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;
b) Chậm nhất ngày 20 tháng 4 hàng năm cơ quan, tổ chức, đơn vị có cơ quan, đơn vị cấp Tổng cục, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước (thuộc sự quản lý của bộ, UBND cấp tỉnh), cấp sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan khác của Nhà nước phải hoàn thành báo cáo tổng hợp về minh bạch tài sản thu nhập trong hệ thống của mình;
c) Chậm nhất 30 tháng 4 hàng năm các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Quốc hội, thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng ở Trung ương, cơ quan khác của Nhà nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành báo cáo thuộc hệ thống của mình;
d) Chậm nhất ngày 30 tháng 5 hàng năm Thanh tra Chính phủ hoàn thành báo cáo trong phạm vi cả nước.