Thời gian qua, công tác đối ngoại của Thanh tra Chính phủ chịu ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Đã có những hạn chế nhất định do các đối tác hiện vẫn đang trong quá trình kiểm soát dịch bệnh hoặc phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch, tuy nhiên, việc chuyển đổi sang phương thức hợp tác trực tuyến đã được thực hiện có hiệu quả và kịp thời, góp phần đảm bảo nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngành Thanh tra, đồng thời, tăng cường vai trò, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, công tác đối ngoại của Thanh tra Chính phủ chịu ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Đã có những hạn chế nhất định do các đối tác hiện vẫn đang trong quá trình kiểm soát dịch bệnh hoặc phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch, tuy nhiên, việc chuyển đổi sang phương thức hợp tác trực tuyến đã được thực hiện có hiệu quả và kịp thời, góp phần đảm bảo nhiệm vụ chính trị của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngành Thanh tra, đồng thời, tăng cường vai trò, vị thế đối ngoại của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Công tác đối ngoại của TTCP (do Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) là đầu mối phụ trách) được triển khai đồng đều trên tất cả các nhiệm vụ được giao theo quy định và chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh việc tham mưu giúp Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trên các mặt của công tác đối ngoại từ xây dựng thể chế, chính sách, định hướng, chiến lược phát triển cho phù hợp với yêu cầu chung của TTCP và ngành Thanh tra, hoạt động của Vụ HTQT đặt trọng tâm chính vào: (1) Nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN) thông qua việc trao đổi đoàn, tổ chức hội nghị, hội thảo, tham dự các diễn đàn chuyên môn; (2) hợp tác đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn thông qua các dự án đào tạo ngắn hạn, trung hạn; (3) hợp tác trong các vụ việc cụ thể, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau trong PCTN; (4) thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết tại các thỏa thuận khu vực, điều ước quốc tế có liên quan.
Hội thảo đào tạo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về liêm chính và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Tháng 3/2021. Ảnh: Hồng Long
Một số kết quả nổi bật
Điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực hợp tác đa phương của TTCP 6 tháng đầu năm 2021 là đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC). Cụ thể, TTCP đã tham gia quá trình tham vấn xây dựng Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc về PCTN đã được thông qua tại Phiên họp đặc biệt mới diễn ra tại trụ sở Đại hội đồng ở New York, Hoa Kỳ từ ngày 02 - 04/6/2021; cập nhật, chia sẻ thông tin về việc thực hiện Công ước đối với Việt Nam theo các chủ đề cụ thể về PCTN theo đề nghị của Ban Thư ký Công ước, dựa trên các Nghị quyết của Hội nghị các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, đến nay, TTCP cũng đã cơ bản hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá của Việt Nam, tiến tới hoàn thành quá trình đánh giá đối với Việt Nam trong Chu trình thứ 2 và hoàn tất đánh giá đối với Cộng hòa Áo trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác đa phương, TTCP thực hiện tốt vai trò Chủ tịch luân phiên, tham dự, chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn hợp tác đa phương mà TTCP là thành viên, cụ thể như sau:
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với tư cách là cơ quan chủ trì tham gia Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Đảm bảo minh bạch của APEC (ACTWG), TTCP đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các hội thảo, hội nghị (trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tham gia 6 cuộc họp, hội thảo trực tuyến) và góp ý vào nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng khác trong khuôn khổ hợp tác APEC và ACTWG.
Trong khuôn khổ Nhóm Các cơ quan Chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) với 10 cơ quan thành viên của các quốc gia Đông Nam Á, TTCP hiện đang tích cực chuẩn bị cho việc chủ trì đăng cai cuộc họp của Ban Thư ký và Hội thảo tập huấn bên lề theo hình thức trực tuyến với chủ đề về kiểm soát tài sản, thu nhập dự kiến vào cuối tháng 9/2021.
Ngoài ra, TTCP luôn nỗ lực duy trì, phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với các tổ chức quốc tế có uy tín (như UNDP, UNODC) nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tháng 3/2021, OECD đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ tham dự và có phát biểu ghi hình tại Diễn đàn trực tuyến toàn cầu về chống tham nhũng và liêm chính. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có phát biểu và tham dự Diễn đàn này theo hình thức trực tuyến, qua đó thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Tổ chức này nói riêng và các quốc gia thành viên OECD về những nỗ lực PCTN của Việt Nam trong thời gian qua.
Trong lĩnh vực hợp tác song phương, các hoạt động hợp tác, hội nhập chuyên ngành với các đối tác nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu được triển khai qua phương thức trực tuyến, tập trung vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Một số kết quả nổi bật được kể đến như: Phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Cơ quan PCTN của Cộng hòa Pháp tổ chức thành công Hội thảo tập huấn trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về liêm chính và kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ (ngày 17/3/2021), với sự tham gia của các đối tượng là thanh tra viên cao cấp của một số bộ, ngành, địa phương. Với thành công của hội thảo đào tạo này, hai Bên đã nhất trí trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác tương tự nhằm góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra của Việt Nam. Hiện nay, TTCP và đối tác Pháp đang thảo luận về việc chuẩn bị tổ chức khóa đào tạo trực tuyến về liêm chính, đạo đức và PCTN dành cho cán bộ của các cơ quan có liên quan của Việt Nam do Trường Hành chính công Cộng hòa Pháp xây dựng nội dung.
Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA, TTCP đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc để thống nhất phương thức tổ chức và xây dựng nội dung cho các khóa đào tạo nghiệp vụ dành cho cán bộ thanh tra giai đoạn từ năm 2021-2023.
TTCP cũng đã xây dựng đề xuất “Hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng năng lực đào tạo, bồi dưỡng về PCTN và liêm chính trong kinh doanh cho TTCP” nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác của các đối tác phát triển tại Việt Nam trong hỗ trợ TTCP xây dựng một hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn dựa trên đánh giá thực trạng quản trị doanh nghiệp đối với các nhóm doanh nghiệp; khả năng và lộ trình đáp ứng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (bao gồm cả các biện pháp mang tính khuyến nghị và các biện pháp bắt buộc); những điều kiện đảm bảo, bao gồm cả những hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế của TTCP đang ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, số lượng đối tác tăng trên cơ sở chọn lọc và hướng tới hợp tác thực chất, phục vụ thiết thực cho công tác của TTCP và ngành Thanh tra (thông qua các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn lực tài chính, tham vấn chuyên gia,…); hợp tác đa phương ngày một chủ động hơn, không chỉ thực hiện tốt các nghĩa vụ đã cam kết mà từng bước có tiếng nói quan trọng trong các nhóm hợp tác. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các hoạt động hợp tác quốc tế của TTCP đã được điều chỉnh kịp thời cả về quy mô và phương thức theo chủ trương của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Những kết quả quan trọng đạt được cho thấy nỗ lực lớn của tập thể chi ủy, lãnh đạo và công chức Vụ HTQT trong những năm qua và đặc biệt là trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Định hướng và nhiệm vụ trọng tâm
Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 được dự báo là còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, việc sử dụng các phương thức ngoại giao trực tuyến vẫn được xác định là xu hướng chủ đạo. TTCP tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại. Theo đó, một mặt, cần thể hiện rõ thiện chí chủ động hợp tác và hội nhập tích cực của Chính phủ Việt Nam nói chung, của ngành Thanh tra nói riêng; mặt khác, luôn giữ vững quan điểm, lập trường dựa trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác, khẳng định vai trò và sự tham gia tích cực trong các diễn đàn hợp tác; qua đó, đáp ứng tốt các yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin đối ngoại, góp phần củng cố và nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung, TTCP và ngành Thanh tra riêng trên trường quốc tế.
Phát triển cả về bề rộng và chiều sâu mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới; chủ động trao đổi, cung cấp thông tin tích cực cho thế giới về tiến triển trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và đặc biệt là PCTN của Việt Nam; tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương; thực hiện tốt và đẩy đủ các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ các điều ước, thỏa thuận quốc tế; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ các nguồn lực để đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ của TTCP và của ngành Thanh tra./.