Hội đồng thẩm định Trung ương nhấn mạnh, việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí để áp dụng thực hiện trong cả nước.
Chiều 28/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thẩm định Trung ương về Đề án thí điểm “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025”. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Trung ương và đại diện các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Hà Tĩnh, có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn; lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân. |
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn - Trưởng Ban soạn thảo “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025” báo cáo tóm tắt Đề án Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo tại cuộc họp.
Đề án Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM là điều kiện để nâng cao chất lượng toàn diện và bền vững Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt là khắc phục những hạn chế, cục bộ của bộ tiêu chí cấp huyện, xã, đảm bảo kết nối đồng bộ về quy hoạch, cơ sở hạ tầng nông thôn – đô thị, chuyển dịch cơ cấu, quy mô kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, địa phương ở quy mô cấp tỉnh. Đồng thời, khẳng định sự chủ động, đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị, Nhân dân Hà Tĩnh, phát huy các giá trị, cốt cách và ý chí, khát vọng vươn lên của con người Hà Tĩnh.
Việc lựa chọn Hà Tĩnh là bởi, tuy tỉnh có điểm xuất phát thấp, với nhiều khó khăn, nhưng đã có sự nỗ lực vượt bậc và đã đạt được những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới 10 năm qua; tỉnh có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có nhiều điều kiện tương đồng so với các địa phương trong cả nước và nhất là khu vực bắc Trung Bộ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn tham quan khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Châu Nội, xã Tùng nhr, huyện Đức Thọ.
Thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM chính là cụ thể hóa kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG tại Hội nghị tổng kết 10 năm khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (tại Thông báo 92/TB-VPCP), làm cơ sở thực tiễn để Trung ương tổng kết, đánh giá, xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia tỉnh đạt chuẩn NTM, áp dụng cho cả nước giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và hơn 12.000 vườn mẫu; 13/13 đơn vị cấp huyện huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch;
Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt mức khá ở khu vực Bắc Trung Bộ (thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng); có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% sản phẩm 4 sao, 5% sản phẩm đạt chuẩn 5 sao; 100% di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phổ biến trong cộng đồng; có ít nhất 1 di sản trở thành sản phẩm du lịch phổ biến trên địa bàn tỉnh;
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ theo chuẩn nghèo đa chiều được Thủ tướng Chính phủ quy định cho giai đoạn 2021 - 2025; 95% chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; 35% hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được thu gom, có biện pháp xử lý phù hợp; 55% người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn hệ thống 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 75%; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.
Hà Tĩnh đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.
Đề án xác định các nhiệm vụ cụ thể gắn với yêu cầu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho cấp xã, huyện; các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện để đạt chuẩn tiêu chí NTM cấp tỉnh. Trong các nhóm nhiệm vụ, xác định những nội dung thực hiện chung, nội dung thực hiện chi tiết, có khung kế hoạch xác định rõ từng hoạt động cụ thể, từng công trình, dự án để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí.
Tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối xây dựng thôn mới tỉnh phối hợp các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện đề án, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh đối với xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất với sự cần thiết trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành đề án, làm cơ sở để Hà Tĩnh triển khai thực hiện, phục vụ cho công tác nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM để áp dụng thực hiện cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, giao trách nhiệm cho UBND tỉnh và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và các bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Chủ tịch Hội đồng thẩm định thống nhất cao sự cần thiết phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kết luận cuộc họp.
Về cơ chế phân bổ nguồn vốn, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để thống nhất cơ chế phân bổ vốn thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM và các nguồn vốn khác thực hiện đề án.