Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hà Tĩnh đã có những biện pháp quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hà Tĩnh đã có những biện pháp quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tháng 8 năm 2020 về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Ngọc Sơn; Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự. |
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh
Giải ngân 7 tháng đầu năm 2020 đạt 40,98% kế hoạch
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước 410.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan Trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2018, 2019 là 6.973 tỷ đồng.
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh nghe báo cáo tình hình triển khai và kế hoạch giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020.
Đến nay, đã có 52/53 các bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn ngân sách Trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Hà Tĩnh phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành đã báo cáo tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị, địa phương, những khó khăn trong quá trình giải ngân và nêu các giải pháp, kiến nghị để đẩy mạnh giải ngân vốn từ nay đến cuối năm.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng nhấn mạnh: Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác giải ngân tại 19/30 địa phương, đơn vị.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính rà soát, điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân chậm, dự án dự kiến không hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2020 để điều chuyển cho các dự án có tiến độ triển khai và giải ngân tốt, còn thiếu vốn; dự kiến hoàn thành đợt 1 trong tháng 8/2020.
Việc rà soát, điều chuyển sẽ được thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm, nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, kết quả giải ngân của Hà Tĩnh đạt được là tích cực. 7 tháng đầu năm giải ngân đạt 52,3% so với kế hoạch. Dự kiến đến 31/8 sẽ đạt trên 64% kế hoạch được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh khó khăn vướng mắc chung về giải phóng mặt bằng, sự thiếu quyết liệt của một số đơn vị, chủ đầu tư trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thì khó khăn lớn nhất vẫn là vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư như: Dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công;
Các dự án ODA phải hoàn thiện thêm các hồ sơ cam kết với nhà tài trợ, dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân mất rất nhiều thời gian; một số quy định về tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu 2 kiến nghị: Về dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê – Vũng Áng, đoạn tuyến kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng có chiều dài 9,85 km đã thực hiện xong công tác khảo sát thiết kế nhưng chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn để triển khai thi công, Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Sở KH&ĐT bố trí hạn mức còn lại từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tập trung triển khai hoàn thành toàn bộ tuyến đường theo đúng tiến độ đề ra, thúc đẩy liên kết các vùng kinh tế Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.
Thứ hai, Hà Tĩnh đang tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt và sẽ bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ. Kính đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ chỉ đạo sớm nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện giải phóng mặt bằng để Hà Tĩnh chủ động triển khai thực hiện, góp phần quan trọng để dự án giải ngân và triển khai đúng tiến độ.
Sau khi nghe Hà Tĩnh báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hà Tĩnh đã có những biện pháp quyết liệt trong đẩy mạnh giải ngân vốn, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thi công, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Với kết quả giải ngân đạt 43% (báo cáo tại cuộc họp ngày 2/7) lên hơn 64% (dự kiến hết tháng 8/2020), Thủ tướng đánh giá đây là sự tiến bộ lớn trong giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh. |
Giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng đảm bảo chất lượng, khối lượng
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Quá trình thực hiện giải ngân, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Đặc biệt thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới trong đẩy mạnh giải ngân, đưa ra những chế tài mạnh đối với đơn vị thực hiện chậm việc giải ngân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có tiến độ giải ngân đạt dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, thúc đẩy giải ngân từ nay đến cuối năm.
Thủ tướng nhấn mạnh: các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm 2020; là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Các cơ quan, đơn vị cần tập trung làm ngay các nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao; tổ chức, cá nhân nào thực hiện chậm thì phải xử lý nghiêm. Bí thư thành ủy, tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân tại địa phương; các bộ trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc giải ngân vốn đầu tư công phải thực hiện quyết liệt, kịp thời nhưng đảm bảo chất lượng, khối lượng, tránh tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân. Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát, giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, không để tình trạng tồn đọng vốn và kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 7 đoàn kiểm tra của Chính phủ tiếp tục công tác kiểm tra nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ KH&ĐT hằng tháng công khai tiến độ giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.