Tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội nghị vinh danh 9 tập thể và 26 cá nhân xuất sắc của ngành Thanh tra Hà Tĩnh được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và các đại biểu tham dự Hội nghị
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh phát động, trong thời gian qua Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ, kịp thời, các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
Cụ thể, đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thi đua hằng năm cũng như các kế hoạch tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; thường xuyên ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, phát động phong trào thi đua và ký cam kết, đăng ký thi đua, hình thức khen thưởng, sơ kết, tổng kết công tác TĐKT; đôn đốc, theo dõi, tổng hợp kết quả thi đua trong toàn ngành. Hàng năm, tổ chức ký kết giao ước thi đua cho 100% tập thể, CBCC. Phát động thi đua theo chủ đề năm, theo chủ đề chào mừng các ngày kỷ niệm. Qua các đợt sinh hoạt Đảng bộ, Chi bộ thường kỳ, Lãnh đạo, Đảng ủy, Cấp ủy đã phát động 26 đợt thi đua ngắn hạn gắn với những chủ đề cụ thể.
Các đơn vị trong toàn Ngành đã chú trọng tổ chức phong trào thi đua khen thưởng gắn với phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành trên các lĩnh vực thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Gắn việc thực hiện các phong trào thi đua với việc thực hiện tốt các nội dung cải cách hành chính. Hằng năm, Thanh tra tỉnh thực hiện 15 - 20 cuộc thanh tra theo Kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác; thực hiện trách nhiệm tiếp, giải quyết hết các khiếu nại tố cáo phát sinh (đạt kết quả trên 89%); xử lý dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Chánh Thanh tra tỉnh trao thưởng cho các tập thể, cá nhân được vinh danh
Thanh tra Hà Tĩnh đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn ngành, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch thanh tra và triển khai thực hiện. Qua thanh tra kinh tế xã hội gắn với giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện và đề xuất xử lý các sai phạm, đề xuất bổ sung hoàn thiện thể chế. Trong kỳ, toàn Ngành thực hiện 1.417 cuộc thanh tra KTXH, phát hiện sai phạm 176,516 tỷ đồng và 317.577m2đất; trong đó, kiến nghị thu hồi vào NSNN 83,005 tỷ đồng, thu hồi đưa vào quản lý 238.970m2 đất; xử phạt hành chính 3.338 trường hợp với số tiền 14,793 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang cơ quan điều tra. Riêng Thanh tra tỉnh tiến hành 101 cuộc thanh tra; phát hiện sai phạm 162,662 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi NSNN 78,069 tỷ đồng; đã thu vào Tài khoản tạm giữ 62,25 tỷ đồng. Công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra dược duy trì nề nếp. Thanh tra tỉnh đã ban hành 99 văn bản đôn đốc, 11 văn bản xử lý sau thanh tra, tổ chức làm việc với 30 đơn vị và thành lập 01 tổ kiểm tra việc thực hiện KLTT tại 01 đơn vị. Số tiền thu được qua đôn đốc, mời làm việc là hơn 2,959 tỷ đồng. Toàn ngành tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc các quy định nhằm giảm thiểu việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra.Các cơ quan Thanh tra quán triệt đến CBCC trong Đoàn thanh tra nghiêm cấm việc nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, thực hiện nghiêm túc đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện đúng quy định về giám sát hoạt động của các Đoàn thanh tra. Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa đơn thư vượt cấp; số đoàn đông người kéo ra Trung ương để khiếu kiện giảm hơn so với nhiệm kỳ trước, không để xảy ra “điểm nóng” do khiếu nại, tố cáo. Chủ động trong việc rà soát, xử lý các vụ việc không để tồn đọng. Các vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết; UBND tỉnh đã tham vấn ý kiến của các cơ quan Trung ương để chỉ đạo giải quyết những vụ việc tồn đọng lâu dài. Phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu một số vụ việc theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tỉnh, cử người đại diện tham gia tố tụng hành chính đối với đơn khởi kiện đối với các vụ việc; sự phối hợp này đã góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy cải cách tư pháp. Duy trì hoạt động Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp tỉnh, đã tổ chức 06 cuộc họp cho ý kiến giải quyết 10 vụ việc. Kết hợp thực kế hoạch triển khai thi hành Luật Tố cáo năm 2018, Luật PCTN năm 2018 Thanh tra tỉnh cử CBCC tham gia hội nghị tập huấn gắn trao đổi các chuyên đề về công tác thanh tra, giải quyết KNTC tại các đơn vị huyện ngành. Công tác thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật KNTC của Thủ trưởng các cấp, các ngành được chú trọng. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát và tổ chức đối thoại hàng trăm vụ việc KNTC mới phát sinh thuộc lĩnh vực có tính chất nhạy cảm trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc rà soát việc giải quyết của cấp dưới và đối thoại trực tiếp với dân đã hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho cấp huyện, ngành giải quyết KNTC đúng pháp luật; đồng thời, thực hiện giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu và thực hiện đúng các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó chấm dứt được nhiều vụ việc khiếu kiện ngay từ cơ sở. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 51 văn bản để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN. Chỉ đạo toàn ngành Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN lồng ghép với thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC (129 cuộc tại 207 đơn vị); tổ chức 256 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật với 45.076 lượt người tham gia; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; triển khai công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh; các văn bản về hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của TTG CP; tăng cường phát hiện và xử lý “tham nhũng vặt”; thực Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh. Toàn Ngành đẩy mạnh việc tham mưu rà soát cơ chế, chính sách; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Triển khai thực hiện tốt việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định. Số bản kê khai được nộp đầy đủ về cơ quan lưu trữ và tiến hành công khai bằng hình thức phù hợp. Những người thuộc đối tượng phải kê khai đã kê khai đầy đủ, nghiêm túc đúng quy định. Không có hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về kê khai tài sản thu nhập hàng năm. Triển khai kịp thời, đúng quy định các văn bản chỉ đạo về tổ chức bộ máy; chú trọng làm tốt công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức trong ngành; đề bạt, bổ nhiệm cán bộ giữ các vị trí chủ chốt từ nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ trong quy hoạch được đào tạo cơ bản; xây dựng Kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả. Giải quyết kịp thời các chế độ cho cán bộ công chức: Thâm niên nghề; bổ nhiệm TTV, thi nâng ngạch TTVC, TTVCC. Đến nay, ngành Thanh tra Hà Tĩnh có Thanh tra tỉnh, Thanh tra 13 huyện, thành phố, thị xã (trong đó 01 huyện đã sáp nhập thanh tra - kiểm tra); Thanh tra 17 sở, ngành và 07 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với tổng số cán bộ, thanh tra viên là 190 người, riêng Thanh tra tỉnh có 42 CBCC (Thạc sỹ: 18; ĐH: 40, TC: 02; TTVCC: 01; TTVC 18; TTV: 10). Thực hiện Quy chế thi đua, khen thưởng, Ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã ban hành Quy định đánh giá xếp loại thi đua hằng năm và tổ chức đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng khách quan, dân chủ tạo sự động viên, đoàn kết, phấn đấu trong toàn thể CBCC. Công tác khen thưởng đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt tỷ lệ cao (trên 57%) đã tạo động lực phấn đấu, thi đua cho CBCC. Thông qua việc tổng kết, đánh giá phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể, CBCC được các cấp, các ngành khen thưởng các danh hiệu, hình thức xứng đáng. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 -2020 ước đạt 6,75%, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên; quy mô nền kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên trên 70 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng.... Trong những thành quả chung của tỉnh, có vai trò đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước ngành Thanh tra, với cách làm mới và hành động cụ thể, như: “Hướng về cơ sở”;“Thi đua đổi mới phương pháp công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra”; “Thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”; “Thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.... Qua công tác thanh tra, ngoài việc thu hồi ngân sách nhà nước, đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Một trong những nét nổi bật của lĩnh vực này đó chính là kết quả của phong trào thi đua “Hướng về cơ sở” mang lại. Ngành Thanh tra đã phát huy được tính chủ động trong việc nắm bắt tình hình, vụ việc từ khi mới phát sinh; từ đó chủ động cho ý kiến giải quyết đối với cấp cơ sở ngay từ bước giải quyết lần đầu. Qua đó, nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc, hạn chế việc công dân tiếp tục khiếu, tố; không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo. Đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài cũng đã được Ngành vào cuộc tích cực. Có những vụ việc tồn đọng hơn một phần tư thế kỷ cũng đã có phương án giải quyết như việc tồn đọng tại Hồ Bình Sơn, Nam cầu Bến Thủy... Một nét tích cực nữa được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và đánh giá cao đó là việc thực hiện các nhiệm vụ khó, phức tạp, nhiệm vụ mới mà UBND tỉnh giao cho Ngành nói chung và Thanh tra tỉnh chủ trì nói riêng...
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng các tập thể, cá nhân tiêu biểu
Cùng với việc ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu ngành Thanh tra phát huy các ưu điểm, khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo và cán bộ, công chức người lao động toàn Ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương về công tác thi đua, khen thưởng của cấp trên; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức của CBCC đối với phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Tiếp tục thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xem thi đua là công việc hằng ngày và thi đua mọi lúc mọi nơi, gắn thi đua với thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Phát động trong toàn Ngành phong trào thi đua thực hiện văn hóa thanh tra, đạo đức nghề nghiệp thanh tra gắn với đạo đức công chức, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh về ban hành quy chế văn hóa công vụ; Văn bản số 7792/UBND-NC1 ngày 22/11/2019 của UBND tỉnh triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc tham mưu giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “hướng về cơ sở” nhằm nắm bắt tình hình; chủ động tham mưu giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng”. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ CBCC theo phương châm: Cơ quan Thanh tra trong sạch, vững mạnh, CBCC vững vàng về bản lĩnh chính trị, am hiểu chính sách pháp luật, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp công tác. Thực hiện chức trách công vụ: “Kỷ cương - Chuyên nghiệp - Minh bạch - Trách nhiệm - Hiệu quả”.