(ThanhtraVietNam) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ, giải pháp về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) tại Hội nghị về công tác kiểm soát TSTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng ngày 20/12/2023, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kiểm soát TSTN - điểm mới quan trọng
Quy định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những điểm mới quan trọng là Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018. Nội dung này đã được Luật PCTN quy định riêng trong một mục (Mục 6 Chương II, gồm 24 điều).
So với quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác, biện pháp kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn được quy định trong nhiều điều luật nhất của Luật PCTN năm 2018 (24/tổng số 96 điều). Nội dung kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn cũng có thay đổi rất nhiều so với quy định trong Luật PCTN năm 2005. Luật PCTN năm 2018 đã sử dụng cụm từ “kiểm soát TSTN” thay cho "kê khai TSTN" hay “minh bạch TSTN” trong các văn bản trước đây.
Nội dung quy định trong 4 tiểu mục và 29 Điều của Luật PCTN năm 2018 về đối tượng kê khai, loại TSTN phải kê khai, phương thức, thời điểm kê khai, xác minh TSTN… cho đến việc thiết lập hệ thống cơ quan kiểm soát TSTN và cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN đã hình thành nên cơ chế kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. Hướng dẫn thực hiện quy định của Luật PCTN năm 2018 về kiểm soát TSTN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mục đích của kiểm soát TSTN là để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc TSTN tăng thêm của Người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: K.Dung)
Tại Hội nghị về công tác kiểm soát TSTN, nhiều nhóm khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được các đại biểu chia sẻ, thảo luận, trong đó tập trung chủ yếu về việc kê khai và việc xác minh TSTN. Liên quan đến việc kê khai, thực tiễn nhiều bộ, ngành địa phương còn băn khoăn về những phát sinh trong thực tiễn thực hiện các nội dung: Người phải kê khai, TSTN phải kê khai (bao gồm tiền mặt; cổ phiếu, đất đai, đồ vật, cổ vật; tài sản của vợ, chồng đã ly hôn, ly thân,…), việc kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, phục vụ công tác cán bộ,… Liên quan đến việc xác minh TSTN, còn nhiều bất cập trong triển khai thực hiện về việc xác định cơ quan có thẩm quyền xác minh; vấn đề phân cấp, phân quyền; phạm vi và cách thức tiến hành; hướng dẫn đối với các cơ quan đặc thù như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và nhất là quy định về kết luận kê khai không trung thực. Thực tiễn cho thấy việc xác định thế nào là không trung thực còn mang tính định tính, trong khi quy định của pháp luật về việc xử lý đối với việc kê khai không trung thực lại rất nghiêm minh. Do đó, đã phát sinh rất nhiều bất cập liên quan đến việc triển khai thực hiện nội dung này trong thực tiễn.
Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra Vũ Văn Chiến chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị (Ảnh: K.Dung)
Công tác kê khai, kiểm soát TSTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCTN, đặc biệt là về kê khai, kiểm soát TSTN, tại Hội nghị về công tác kiểm soát TSTN, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam khẳng định: PCTN, tiêu cực nói chung và công tác kê khai, kiểm soát kê khai TSTN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Thanh tra Chính phủ luôn xác định PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và trong công tác phối hợp giữa các cấp ủy đảng, cơ quan bộ, ngành, địa phương, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: K.Dung)
Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, Quy định số 85-QĐ/TW, Quyết định số 56-QĐ/TW, Luật PCTN năm 2018 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, tiếp tục phổ biến, quán triệt các chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai TSTN. Trong đó, nâng cao nhận thức, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức trong việc kê khai TSTN. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc kê khai, công khai TSTN để các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Thứ ba, tiếp tục cập nhật những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trao đổi, phản ánh để Thanh tra Chính phủ rà soát toàn diện pháp luật về kiểm soát TSTN để kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả kiểm soát TSTN.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; xác minh TSTN theo Luật PCTN và Quyết định số 56-QĐ/TW; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm.
Thứ năm, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, nhất là vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, Nhân dân. Đánh giá đúng và kịp thời động viên, khen thưởng xứng đáng những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt công tác PCTN, tiêu cực. Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN và kiểm soát TSTN./.