Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã khẳng định “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Mặc dù vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc. Đó là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả…
Trước hàng loạt đại án tham nhũng được đưa ra ánh sáng, nhiều người cho rằng, tham ô, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành bệnh mạn tính, khó chữa lành. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn diễn ra và càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn dù có khó, kéo dài. “Lò đốt” tham nhũng tiếp tục “bùng cháy” và nóng lên sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng. Phòng, chống tham nhũng đã và đang đi vào tận gốc rễ vấn đề, tạo cơ sở vững chắc cho người dân tin vào sự “tử tế” của xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí luôn được soi xét và nhận diện thẳng thắn, xuyên suốt thời gian dài từ Trung ương đến cơ sở. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là hành trình kéo dài không phải nửa vời, làm chiếu lệ hay hình thức thanh trừng nội bộ như các thế lực phản động vẫn rêu rao.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ rõ: Xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Phải quán triệt nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che tham nhũng; ai can thiệp, ai dung túng, bao che cũng phải xử lý, không được cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ hội nghị trong 10 năm thực hiện hiện công tác phòng, chống tham nhũng (2012-2022) cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ...
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 7 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong cả nước đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị xử lý kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sï quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Trung ương đã cho ý kiến tờ trình của Bộ Chính trị; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương. Cũng trong tháng 10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành để điều tra về tội nhận hối lộ liên quan đến sai phạm xảy ra trong vụ thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Những con số nêu trên chưa từng có trong tiền lệ đã minh chứng thêm cho quyết tâm “những vụ án tham nhũng, tiêu cực phải làm một cách quyết liệt, theo đúng quy trình, không có ngoại lệ, đấu tranh với một quyết tâm sắt đá, cái đầu lạnh, trái tim nóng nhưng cũng nhân văn để mỗi người phạm tội nhận rõ cái sai, thế lực thù địch phản động không còn cơ hội khiêu khích, chống phá”.
Chống tham nhũng phải hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn” tham nhũng
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhận định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, nên số lượng các vụ án tham nhũng tăng lên do triển khai quyết liệt, phát hiện những vụ tham nhũng đã xảy ra từ nhiệm kỳ trước và phát hiện những vụ mới phát sinh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ chính sách để những người thực hiện công việc có liên quan đến lợi ích họ được đảm bảo lợi ích, đảm bảo cuộc sống tối thiểu, khi đó sẽ không cần phải tham nhũng. Đồng thời xử lý thật nghiêm khi phát hiện tham nhũng, điều này đã được chứng minh trong thời gian vừa qua đã xử lý nghiêm các vụ tham nhũng đã có tác dụng răn đe hiệu quả. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thực hiện đồng bộ 3 yếu tố: Cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng".
Còn đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng để đạt được mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng cần phải kiên quyết xử lý nghiêm người vi phạm vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục.
Đối với ý kiến cho rằng, xử lý kỷ luật nhiều thì không còn cán bộ, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, đất nước ta còn nhiều người có đức, có tài, có tâm huyết với công việc Đảng, Nhà nước giao. Vì vậy, đại biểu thống nhất với quan điểm phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, xử lý nghiêm minh.
Cùng với đó cũng cần tăng cường phòng tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn vụ án xảy ra sai phạm rất lớn để lại hậu quả nặng nề. Trong đó, khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xử lý bằng nhiều hình thức, nhiều bước. Điều này liên quan đến công tác cán bộ, công tác giáo dục cần được triển khai đồng bộ. Theo đại biểu, vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng rất quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành minh bạch, nếu sai phạm xử lý nghiêm để tạo sự răn đe.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác. Bởi việc phòng, chống tham nhũng là quan trọng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ cán bộ chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác. Cùng với đó tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức cao hơn nhiều lần so với khối doanh nghiệp thì mới đủ thu hút được cán bộ, công chức đủ đam mê, cống hiến và có trách nhiệm với công vụ của mình. Đồng thời phải kiên trì nâng cao nhận thức, chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì khi đó công tác phòng, chống tham nhũng mới thuyên giảm…
Theo một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để đấu tranh có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần một số giải pháp, như: Phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho nhân dân, để nhân dân hiểu được pháp luật mà tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn. Chỉ khi nhân dân vào cuộc nói ra, phát hiện ra thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vặt mới hiệu quả.
Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức, các cơ quan cũng cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát lại thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn cho được tình trạng này.