Đó là một trong những nội dung được bổ sung vào Dự thảo Thông tư quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra được các đại biểu cho ý kiến tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn thẩm định Dự thảo Thông tư này diễn ra ngày 13/4. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp.
Tổng Thanh tra Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp. Ảnh: TH
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp trình bày tờ trình Dự thảo Thông tư quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra.
Thông tư gồm 5 chương, 21 điều, quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan Thanh tra Nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; xử lý chồng chéo, điều chỉnh, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra.
Đóng góp ý kiến, các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Thông tư và cho rằng, Thông tư số 01/2014/TT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành làm cơ sở, căn cứ để tiến hành xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm, đồng thời xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này cho thấy một số quy định về thời gian, trình tự, thủ tục xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra chưa phù hợp và còn thiếu vị trí, vai trò của cơ quan chủ trì trong việc xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra chưa phát huy; còn thiếu quy định về phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác định hướng thanh tra; quy định về xây dựng kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, huyện còn được quy định lồng ghép, đan xen vào kế hoạch thanh tra bộ, thanh tra sở...
Mặt khác, từ thực tế theo dõi việc xây dựng, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra cho thấy, một số cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra chưa đảm bảo đúng định hướng chương trình thanh tra; một số cuộc thanh tra chưa bảo đảm đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thanh tra. Đồng thời, mặc dù đã quan tâm xử lý chồng chéo nhưng thực trạng chồng chéo trong kế hoạch thanh tra vẫn còn xảy ra, do đó cần phải có biện pháp khắc phục.
Theo đại diện của Thanh tra Hà Nội, phạm vi điều chỉnh Thông tư cần bỏ phần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, nhưng cần quy định rõ việc giải quyết các vấn đề về chồng chéo, trùng lắp nội dung, thời gian, phạm vi, đối tượng thanh tra.
Bàn về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại Thông tư, đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, để xử lý hoạt động thanh tra, bên cạnh quy định về xử lý chồng chép trong quá trình thực hiện thanh tra, Thông tư cần bổ sung quy định việc xử lý trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, với 2 lần kiểm soát sẽ tạo điều kiện để xử lý chồng chéo ngày càng hiệu quả. Theo đó, dự thảo cần quy định rõ việc phối hợp và cung cấp thông tin để xử lý chồng chéo, trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau để trao đổi, cung cấp thông tin và thống nhất kế hoạch thanh tra, đảm bảo không được chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian.
“Kế hoạch thanh tra cấp trên sau khi được phê duyệt thì gửi ngay cho cơ quan cấp dưới. Cơ quan thanh tra cấp dưới chủ động tránh chồng chéo với kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra cấp trên”, đại diện Thanh tra Hà Nội kiến nghị.
Đồng ý kiến, đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, xử lý kế hoạch thanh tra sở, huyện cần giao cho Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện. Dự thảo Thông tư nên quy định chánh thanh tra sở, huyện báo cáo chánh thanh tra tỉnh để có ý kiến xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra trước khi trình giám đốc sở, chủ tịch UBND huyện phê duyệt... Thực tế với quy định này, trong thời gian qua ở nhiều địa phương, chánh thanh tra tỉnh chủ trì xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra sở và huyện đạt kết quả tốt
Mặt khác, dù có quy định xử lý chồng chéo khi xây dựng kế hoạch nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, do có những cuộc thanh tra khi xây dựng kế hoạch không nêu được đối tượng thanh tra cụ thể nên không thể xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, có những trường hợp lại không đủ thời gian để xử lý chồng chéo ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra chưa đầy đủ nên không thể tránh chồng chéo một cách triệt để... Do đó Dự thảo Thông tư cần quy định việc xử lý chồng chéo trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư của các bộ, ngành, địa phương và nhấn mạnh: Việc đánh giá những vấn đề còn bất cập trong hoạt động thanh tra để xây dựng Thông tư là việc làm rất cần thiết, quản lý nhà nước trong hệ thống còn có những vấn đề bất cập. Hiện nay, việc thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm rất quan trọng, kế hoạch phải đạt được mục tiêu đề ra, Thanh tra Chính phủ chỉ định hướng kế hoạch thanh tra, còn việc xây dựng kế hoạch thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương do thủ trưởng quyết định.
Đối với việc xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra đề nghị phải khéo léo, tránh ảnh hưởng tới các đối tượng thanh tra, đặc biệt là các doanh nghiệp. Riêng trong ngành Thanh tra, thanh tra các cấp cần chủ động tham mưu, báo cáo thủ trưởng đơn vị cũng như lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành, quận, huyện để có ý kiến chỉ đạo đối với từng lĩnh vực cụ thể.