Trong những năm qua, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với Kiểm toán Nhà nước trong xây dựng kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra nhiều hiện tượng chồng chéo giữa hai hoạt động này.
Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HH
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua (2011-2015) có khoảng 100 cuộc chồng chéo giữa thanh tra với kiểm toán (chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm toán). Nguyên nhân là do quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, thậm chí chưa được phân định rõ ràng, rành mạch ranh giới về thẩm quyền giữa hai cơ quan này. Chẳng hạn như Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động thì gần nghĩa với chức năng của thanh tra; thanh tra tài chính có chức năng thanh tra việc thu chi quyết toán ngân sách gần với chức năng kiểm toán báo cáo tài chính của Kiểm toán Nhà nước, do đó, sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm toán là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Thanh tra Nhà nước và Kiểm toán Nhà nước trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán còn mức độ thiếu thường xuyên (đặc biệt trước tháng 02/2015 chưa có Quy chế phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ với Kiểm toán Nhà nước nên sự chồng chéo, trùng lặp trong thời gian này khá phổ biến). Chưa có cơ chế phối hợp công tác giữa Thanh tra bộ, ngành, địa phương với Kiểm toán Nhà nước. Theo quy định hiện hành chưa có đầy đủ quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Hơn nữa, kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước không nêu chi tiết về đối tượng, nội dung, thời gian được kiểm toán mà chỉ ghi đầu mối được kiểm toán (ví dụ: Trong kế hoạch kiểm toán ghi “Kiểm toán ngân sách tỉnh A” nhưng trong kế hoạch không ghi chi tiết danh sách gồm những sở, ban, ngành, công trình, dự án... nào). Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch thanh tra không xác định được cụ thể các đơn vị sẽ được kiểm toán cũng như thời gian kiểm toán nên vẫn đưa vào kế hoạch thanh tra, dẫn đến chồng chéo về đối tượng, thời gian, nội dung thanh tra với kiểm toán.
Mặt khác, một số Thanh tra bộ, ngành, địa phương chưa chủ động phối hợp làm việc với Kiểm toán Nhà nước (Kiểm toán ngành và Kiểm toán khu vực) khi xây dựng kế hoạch thanh tra. Kiểm toán Nhà nước không gửi hoặc gửi kế hoạch kiểm toán về Thanh tra các bộ, ngành, địa phương sau thời điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, nên cơ quan thanh tra không có đủ cơ sở để xử lý chồng chéo với kế hoạch kiểm toán khi xây dựng kế hoạch thanh tra.
Một số giải pháp khắc phục
Từ thực tế trên cho thấy cần đưa ra giải pháp khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán bằng cách nghiên cứu, phân định rõ ràng hơn giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán trong quy định của pháp luật. Đồng thời, cần có sự phối hợp rà soát, trao đổi, thống nhất giữa 2 cơ quan về sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra và kiểm toán (nhất là Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán). Rà soát lại các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán; đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán trong đó phân định rõ hơn thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước để tránh trùng lặp.
Thanh tra Chính phủ phải phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước; tăng cường phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với Kiểm toán Nhà nước trong việc rà soát, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; hướng dẫn xây dựng Quy chế phối hợp giữa Thanh tra bộ, ngành, địa phương với Kiểm toán các khu vực thuộc Kiểm toán Nhà nước, có văn bản chỉ đạo chung, thống nhất việc xử lý chồng chéo; chia sẻ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là công tác xây dựng và triển khai việc thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Mặt khác, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần thống nhất các nguyên tắc trong xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán và đưa vào Quy chế phối hợp giữa 02 cơ quan. Theo đó, các nội dung thanh tra đã tiến hành thanh tra thì Kiểm toán Nhà nước không tiến hành kiểm toán và ngược lại. Trường hợp có sự chồng chéo thì đơn vị nào thực hiện trước vẫn thực hiện theo kế hoạch, đơn vị làm sau có thể kế thừa kết quả đã thanh tra hoặc kiểm toán hoặc báo có người có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ trao đổi, cung cấp thông tin, sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra thể hiện trong báo cáo kiểm toán, kết luận thanh tra để làm căn cứ xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra.
Hai cơ quan nên có văn bản chỉ đạo tập trung, thống nhất việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương và kiểm toán nhà nước khu vực xây dựng, thực hiện tốt Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là công tác xây dựng và triển khai việc thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Kế hoạch thanh tra, kiểm toán cần ghi cụ thể đối tượng, thời gian, nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, kế hoạch kiểm toán cần được công khai sau khi ban hành (hoặc thông báo kế hoạch) trước thời điểm phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm và gửi kịp thời đến thanh tra bộ, ngành, địa phương.
Thanh tra Chính phủ cũng nên phối hợp với Kiểm toán Nhà nước xây dựng phần mềm theo dõi kế hoạch thanh tra, kiểm toán để có cơ sở phát hiện, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán./.