(ThanhtraHaTinh) Ngày 03/5/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 1031/VPCP-V.I ngày 28/3/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thông báo số 10-TB/BCĐ ngày 22/02/2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo; xét đề nghị của Thanh tra tỉnh. Ngày 03/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2373/UBND-NC3 về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; tập trung thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Hai là chỉ đạo các đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc thẩm quyền đánh giá đầy đủ, nghiêm túc xử lý theo quy định đối với các hành vi vi phạm về công khai, minh bạch; vi phạm quy định về chế độ định mức, tiêu chuẩn; xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác; báo cáo về hành vi tham nhũng; kê khai tài sản, thu nhập và các vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật
Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi bốc thăm danh sách người được xác minh tài sản, thu nhập
Ba là kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra như: việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu, đầu tư xây dựng và các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Bốn là tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan dân cử như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh việc giám sát, kiểm soát quyền lực, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết đối với người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp
Năm là khắc phục có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục một số tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, cải thiện điểm số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Rà soát kế hoạch thanh tra nhằm tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế cũng như các Tổ công tác liên ngành nhằm tham mưu xử lý phù hợp đối với những vụ việc phức tạp, tồn đọng trong thời gian qua.
Để tổ chức thực hiện Văn bản có hiệu quả, Chủ tịch Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Văn bản này; định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo UBND tỉnh theo quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền khi có các vấn đề phát sinh.