(ThanhtraHatinh) - Luật Khiếu nại được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 quy định các khiếu nại thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết:
Ảnh minh họa
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ, quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết dịnh hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chinh phủ quy định;
2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
Mặt khác Luật Khiếu nại năm 2011 cũng quy định: Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, việc đối thoại phải tiến hành công khai dân chủ.
Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
Kết quả đối thoại là một trong những căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Trong thực tế có nhiều vụ việc không đủ điều kiện thụ lý giải quyết, thuộc một trong các trường hợp các khiếu nại không được thụ lý giải quyết, nhưng trong quá trình xử lý đơn thư tham mưu thụ lý vụ việc, người được giao nhiệm vụ làm công tác này đã không nhận biết được, nên đã tham mưu cho người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính hoặc có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức có hành vi hành chính bị khiếu nại tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc lần đầu là trái với quy định của pháp luật, vi phạm Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011, mặt khác đối với vụ việc khi đã tham mưu thụ lý sai thuộc một trong các khiếu nại không được thụ lý giải quyết nhưng khi tiến hành kiểm tra, xác minh yêu cầu cung cấp chứng cứ, người khiếu nại không đưa ra được chứng cứ hợp pháp liên quan đến nội dung khiếu mà thường trình bày theo nhận thức của cảm tính cá nhân, không căn cứ các quy định của pháp luật để khiếu nại. Do vậy, đòi hỏi cán bộ làm công tác tiết dân, xử lý đơn thư hoặc được giao nhiệm vụ thụ lý vụ việc phải đặc biệt quan tâm đến các điều kiện để khiếu nại được thụ lý giải quyết, nếu khiếu nại thuộc một trong các trường hợp không thụ lý giải quyết thì kịp thời giải thích cho công dân hiểu rõ các quy định của pháp luật và vận động công dân chấm dứt khiếu nại. Để làm tốt công tác này đòi hỏi cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại phải thật sự am hiểu về mặt pháp luật và tâm huyết với nghề, đặc biệt là Luật khiếu nại và các Luật liên quan đến nội dung công dân khiếu nại, ngoài ra đòi hỏi cán bộ làm công tác này phài có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, giải thích vận động công dân hiểu rõ các chính sách pháp luật của nhà nước để chấm dứt khiếu nại. Trong khi đó nghịch lý thay là những vị trí công tác này không ai muốn làm, thậm chỉ có những địa phương, đơn vị lại bố trí những cán bộ yếu kém về năng lực chuyên môn, không am hiểu sâu về pháp luật, không tâm huyết với nghề, không hoàn thành nhiệm vụ được giao đảm nhận công tác này, do đó trong thời gian qua không ít vụ việc khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý giải quyết nhưng cán bộ được giao nhiệm vụ đã tham mưu cho thủ trưởng đơn vị, địa phương thụ lý giải quyết sai thẩm quyền, gây mất nhiều thời gian và thiệt hại ngân sách nhà nước. Hệ quả từ việc tham mưu thụ lý giải quyết vụ việc sai thẩm quyền đã làm cho công dân hy vọng trông chờ vào kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước các cấp, nên củng đã làm cho công dân mất thời gian đi lại và thiệt hại kinh tế gia đình, đồng thời làm cho tình hình trở nên phức tạp gây mất ổn định ở địa phương đơn vị.
Thông qua kết quả tiếp dân, xử lý đơn thư tham mưu thụ lý giải quyết vụ việc hoặc chỉ đạo giải quyết vụ việc trong thời gian qua trong cả nước nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng cho thấy: Nếu tham mưu thụ lý giải quyết vụ việc sai thẩm quyền sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ổn định ở địa phương, là một trong những nguyên nhân dẫn đến công dân đeo bám khiếu kiện, đặc biệt đối với những vụ việc không đủ điều kiện thụ lý giải quyết hay đã được thụ lý giải quyết hết thẩm quyền đúng chính sách pháp luật, thấu tình đạt lý đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương rà soát nhiều lần kết luật kết quả địa phương giải quyết đúng chính sách pháp luật không có tình tiết mới, nhưng khi có đơn thư công dân gửi vượt cấp lên cơ quan cấp trên, cán bộ làm công tác tiếp dân xử lý đơn thư hoặc được giao nghiện cứu vụ việc đã không làm hết trách nhiệm để tham mưu văn bản trả lời dứt điểm, vụ việc không đủ điều kiện thụ lý giải quyết hoặc vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền mà thường tham mưu văn bản chỉ đạo địa phương, đơn vị phải có văn bản soát xét lại vụ việc trả lời công dân, động tác này đã vô tình làm cho tình phức tạp thêm, không phải là quan tâm đến dân, mà người được giao nhiệm vụ này còn thiếu trách nhiệm với nhà nước và công dân, vì: khi vụ việc đã không đủ điều kiện thụ lý giải quyết mà tham mưu văn bản chỉ đạo cấp dưới giải quyết hoặc tiếp tục soát xét giải quyết trả lời công dân sẽ gây tốn thất không ít tiền của nhà nước và của nhân dân, hệ lụy của nó là làm cho nhân dân hy vọng đi lại tốn kém, là nguyên nhân phát sinh đeo bám khiếu kiện kéo dài phức tạp, tạo thêm bức xúc cho người dân.
Để khắc phục được các tồn tại nêu trên, cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác tiếp dân xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại cần phải nâng cao trách nhiệm, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cần phải quan tâm hơn nữa trong việc bố trí cán bộ làm công tác này và phải có cơ chế chính sách thỏa đáng để những người có chuyện môn yên tâm công tác trong lĩnh vực này, đồng thời đối với những cán bộ tham mưu văn bản chỉ đạo giải quyết đối với vụ việc không đủ điều kiện kiện thụ lý giải quyết hay thụ lý giải quyết sai thẩm quyền cũng phải có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.