(ThanhtraHatinh) - Tranh chấp đất đai thực chất là những mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa những người sử dụng đất với nhau do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà họ cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân là phải giải quyết các mâu thuẫn đó một cách có lý, có tình và đúng pháp luật để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp và truy cứu trách nhiệm đối với người vi phạm.
Hòa giải ở cơ sở - Ảnh minh họa
Khi có tranh chấp đất đai xảy ra trong nội bộ nhân dân, cộng đồng dân cư, nhà nước khuyến khích việc hoà giải tranh chấp với sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để bình ổn các quan hệ đất đai. Theo Luật Đất đai 2003, việc hoà giải trong giải quyết tranh chấp về đất đai là bắt buộc như là một thủ tục tiền tố tụng trước khi được cơ quan tư pháp hoặc cơ quan hành chính nhà nước giải quyết theo thẩm quyền. Điều đó có nghĩa là, các bên đương sự nếu chưa hoà giải tại cơ sở, chưa thực hiện đúng các quy định tại Điều 135 Luật đất đai 2003 thì các cơ quan nhà nước sẽ không giải quyết. Họ phải được hoà giải công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, có biên bản hoà giải ghi nhận ý kiến của các bên trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Như đã nêu trên, theo quy định tại Điều 135, 136 của Luật Đất đai năm 2003 thì tranh chấp đất đai phải qua tiến hành hòa giải ở cơ sở là một thủ tục bắt buộc; nếu chưa qua thủ tục hòa giải ở cơ sở thì những cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý và tiến hành giải quyết.
Xét dưới góc độ lý luận thì các tranh chấp được gọi là tranh chấp đất đai phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở như quy định ở Điều 135, Điều 136 Luật Đất đai thì tranh chấp đó phải thõa mãn các yếu tố sau:
(1). Về quan hệ pháp luật nó phải là quan hệ đất đai như tranh chấp đòi lại bị lấn chiếm, chiếm dụng (đó là tranh chấp quyền sử dụng)….hoặc liên quan chặt chẽ đến đất đai như quan hệ chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, được quyền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
(2). Về đối tượng tranh chấp phải là đất đai.
(3). Về pháp luật áp dụng phải là Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự.
(4). Về khách thể của quan hệ này phải là quyền sử dụng đất.
(5). Về chủ thể của quan hệ đất đai: có thể là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp….
Khoản 2 Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai 2003 quy định: “Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hoà giải thành hoặc hoà giải không thành của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên bản hoà giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp”. Như vậy, dù việc hòa giải thành hay không thành thì UBND phường vẫn phải gửi Biên bản hòa giải tới các bên trong tranh chấp.
Pháp luật hiện hành chưa có quy định trong trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành, UBND xã, phường, thị trấn phải ra văn bản trả lời các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, khi hòa giải đất đai không thành, UBND xã, phường, thị trấn thường ra văn bản trả lời về việc hòa giải không thành và hướng dẫn các bên trong tranh chấp tiếp tục giải quyết tranh chấp tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2003, cụ thể như sau:
- Tòa án nhân dân sẽ giải quyết tranh chấp đối với các vụ việc mà đương sự có giấy CNQSD đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai 2003 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
- Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai.
Nhiệm vụ công tác hoà giải ở cấp xã:
- Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp không ban hành quyết định giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất nhưng có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức hòa giải, hướng dẫn, thuyết phục, để các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được.
- Nhà nước khuyến khích hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đó nhằm hạn chế khiếu nại phát sinh từ cơ sở.
- Nếu các bên không tự hòa giải được hoặc hòa giải ở cơ sở (do Tổ hòa giải cơ sở chủ trì) không thành thì việc tranh chấp đất phải được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp theo đúng quy định tại Điều 159, 160, 161 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003.
- Riêng đối với đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện; của Chủ tịch UBND tỉnh thì cơ quan tham mưu có thể tiến hành hòa giải trước khi trình Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét giải quyết.
Nguyên tắc hòa giải, thành phần Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai:
- Việc hòa giải phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tôn trọng sự tự nguyện, khách quan, quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
- Thành phần Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại khoản 2, Điều 161, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, gồm:
(1). Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là Chủ tịch Hội đồng;
(2). Đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã phường, thị trấn;
(3). Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp, bản, buôn, phum, sóc đối với khu vực nông thôn;
(4). Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;
(5). Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, tùy từng đối tượng các bên tranh chấp có thể mời thêm các thành phần như: Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên, các cơ quan chuyên môn cấp huyện để tham gia, tư vấn, hướng dẫn, giải thích pháp luật.
Trình tự các bước tiến hành hòa giải:
- Trong quá trình chuẩn bị hòa giải, cán bộ hòa giải phải tiếp xúc với các bên để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập các giấy tờ, tài liệu chứng cứ có liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt và phải được lập thành biên bản, gồm các nội dung sau:
(1) Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải;
(2) Tóm tắt nội dung tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp;
(3) Ý kiến các bên tranh chấp, ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai. Căn cứ kết quả thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, người chủ trì hòa giải phải có xác nhận ghi trong biên bản hòa giải thành hoặc không thành;
(4) Biên bản hòa giải phải có chữ ký của tất cả các thành viên tham gia hòa giải và phải gửi cho các bên tranh chấp, UBND, Phòng Tài nguyên & Môi trường cấp huyện.
- Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã hòa giải không thành; căn cứ khoản 1, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 và các quy định của Trung ương hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến Toà án nhân dân để giải quyết. Trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì hướng dẫn đương sự gửi đơn đến UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh giải quyết theo Điều 160 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.
Thời hạn hòa giải
Thời hạn thụ lý và kết thúc hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn, quá thời hạn trên mà người có trách nhiệm tổ chức hòa giải không tiến hành hòa giải thì phải bị xem xét, xử lý kỷ luật./.